Tại các điểm công cộng không tập trung đông người, dọc vỉa hè, công viên, bảo tàng, người dân dường như đã bỏ hẳn khẩu trang. Trong khi đó, tại các khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bảo tàng, vẫn có quy định của nhà chức trách cho yêu cầu kiểm soát, kiểm tra giấy tờ chứng nhận tiêm chủng, việc xác nhận thời gian test Covid-19 của mỗi người khi ra vào... Ðúng thời điểm nước bạn bước qua giai đoạn căng thẳng dịch bệnh, thủ đô Vienna tươi đẹp và mến khách chào đón các vị khách quý từ các nơi về dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội (QH) thế giới lần thứ 5 (WCSP5), thu hút hàng trăm nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp các quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quan trọng toàn cầu như Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và các tổ chức khu vực khác.
Thông qua cuộc gặp gỡ cấp cao này, các nhà lập pháp toàn thế giới quyết tâm đóng góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Theo thông lệ, WCSP được tổ chức định kỳ 5 năm một lần với sự hợp tác chặt chẽ của Liên hợp quốc. Cơ cấu WCSP gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn, trình bày các báo cáo quan trọng và kết thúc các chuỗi sự kiện hoạt động bằng việc thông qua bản Tuyên bố chung.
Năm ngoái, cũng tại Vienna, IPU và QH Áo phối hợp tổ chức WCSP5 bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nơi. Sau Hội nghị năm 2020, Chủ tịch QH Áo bày tỏ quyết tâm sớm tổ chức WCSP5 theo hình thức trực tiếp sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19. Lời cam kết đó đã trở thành hiện thực sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cho công tác tổ chức đạt kết quả cao nhất. Các nhà chức trách Áo những ngày này thực hiện các biện pháp kiểm soát y tế mạnh mẽ và toàn diện để tổ chức hội nghị an toàn, bao gồm bắt buộc xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với tất cả đại biểu lãnh đạo các đoàn, đội ngũ nhân viên ra vào địa điểm tổ chức hội nghị, giới hạn thấp nhất số lượng đại biểu tháp tùng, tùy tùng và cả với phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông ra vào hội trường lớn, và quy định bắt buộc đeo khẩu trang suốt thời gian tham dự hội nghị cũng như tại các hoạt động tiếp xúc song phương, gặp gỡ bên lề...
Trải qua thời gian dài nhiều tháng đầy lo lắng trên toàn cầu về đại dịch Covid-19, hơn 100 nhà lãnh đạo QH các nước có mặt lần này thể hiện cao nhất ý chí mạnh mẽ, quyết tâm vượt khó của những người đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại các quốc gia. Hàng loạt thách thức nghiêm trọng toàn cầu được các nhà lãnh đạo quan tâm thảo luận tại chương trình nghị sự trong tuần này, từ các cuộc xung đột kéo dài, nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đến những vấn nạn, hệ quả của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, thảo luận, đánh giá tình hình mức độ tàn phá của đại dịch Covid-19 tác động các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các nước.
Nhận thức chung, xuyên suốt trong các thông điệp của các nhà lãnh đạo nước chủ nhà và các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã nhấn mạnh những thách thức to lớn, nghiêm trọng đó đã và đang diễn ra hàng giờ, từng ngày không chỉ ở một quốc gia, và không thể bất cứ một quốc gia nào có thể giải quyết được, mà trên hết cần có cơ chế hợp tác đa phương, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của các quốc gia. Ðồng thời, các nhà lãnh đạo QH/Nghị viện cũng chỉ ra rằng, vai trò và tiếng nói của các cơ quan đại diện dân cử, QH và Nghị viện với quyết tâm và trách nhiệm của mình, trước tình hình khẩn trương, cấp bách đó, cần khẩn trương đồng hành cùng các Chính phủ giải quyết những thách thức trước mắt và lâu dài.
Ðó là sự cần thiết để từng quốc gia, nhiều quốc gia vượt qua khác biệt, chung tay hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hợp tác đa phương; tăng cường kết nối mọi nguồn lực, nhiều kênh phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua đại dịch Covid-19. Kinh nghiệm chính từ thực tiễn, bài học xương máu từ thực tiễn phát triển thất bại cũng như thành công trong xử lý ô nhiễm môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc nhất với tất cả các quốc gia. Ðó là cần phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.
Những ngày qua, Chủ tịch QH Vương Ðình Huệ và các thành viên trong Ðoàn tham dự lễ khai mạc và nhiều nội dung hoạt động quan trọng khác tại phiên họp toàn thể, các phiên họp thảo luận chuyên đề. Nhiều hoạt động bận rộn, khẩn trương gặp gỡ song phương bên lề hội nghị với nhiều Chủ tịch, Phó Chủ tịch QH/Nghị viện các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nước bạn và bà con người Việt Nam ở nhiều nước ở châu Âu. Thông qua các tiếp xúc đó, Chủ tịch QH nước ta và các thành viên trong Ðoàn bắt đầu triển khai tích cực, không mệt mỏi trọng trách hết sức quan trọng ngoại giao vaccine.
Ðiều đó là quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm cao nhất của Ðoàn qua các kênh, các nguồn để tìm kiếm, trao đổi, vận động các nước, đối tác, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ, viện trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế... Bên cạnh đó, thúc đẩy thương mại vaccine, tranh thủ nguồn dôi dư vaccine của các nước nhằm đa dạng hóa nguồn cung vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch trong nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.