Chung tay gìn giữ rừng nhiệt đới toàn cầu

Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon (ACTO) vừa diễn ra tại thành phố Belem của Brazil đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự đồng thuận của tám quốc gia khu vực Nam Mỹ. Tuy vậy, dù đạt được tuyên bố chung, song các nước vẫn chưa thể thống nhất thời điểm chấm dứt nạn phá rừng cũng như chưa tán thành đề xuất ngừng thăm dò, khai thác vàng và dầu mỏ tại khu vực rừng Amazon.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon tại thành phố Belem, Brazil. (Ảnh: otca.org)
Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon tại thành phố Belem, Brazil. (Ảnh: otca.org)

Theo đó, tám nước thành viên ACTO, gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela, đã ký Tuyên bố chung Belem, trong đó vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, chống tội phạm có tổ chức. Các nước cũng đạt đồng thuận về các vấn đề về quyền của người bản địa, đồng thời nhất trí hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, sức khỏe, quan điểm đàm phán chung tại các hội nghị cấp cao về khí hậu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (L.Xin-va) nhấn mạnh, khủng hoảng khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, kéo theo những thách thức, đòi hỏi các nước phải phối hợp chặt chẽ và kịp thời để tìm ra giải pháp phù hợp.

Nhà lãnh đạo Brazil cũng kêu gọi thúc đẩy một mặt trận đoàn kết các nước có rừng mưa nhiệt đới khi tham gia các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế, như Hội nghị cấp cao lần thứ 28 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro (G.Pê-tơ-rô) đề nghị cần xem xét lại nền kinh tế toàn cầu, đồng thời mong muốn các nước giàu xóa nợ cho các nước đang phát triển để đổi lấy hành động bảo vệ khí hậu.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ACTO, các quốc gia có nhiều rừng mưa nhiệt đới nhất trí thiết lập hiệp ước mang tên United for Our Forests nhằm yêu cầu các nước phát triển, đã công nghiệp hóa (vốn gây ra phần lớn lượng khí thải dẫn tới tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay) hỗ trợ những nước nghèo hơn trang trải chi phí ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh thái. Trong hiệp ước này, các quốc gia kêu gọi phát triển những cơ chế tài chính thế giới để chi trả cho các dịch vụ thiết yếu do các khu rừng nhiệt đới cung cấp. Các nước này lo ngại các quốc gia giàu hơn không thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu thường niên cho các nước đang phát triển, đồng thời kêu gọi nâng số tiền này lên 200 tỷ USD/năm để đẩy nhanh các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh thái.

Dù thu được nhiều kết quả tích cực và ký được tuyên bố chung, song các chuyên gia nhận định, Hội nghị cấp cao ACTO lần này vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ nhất của các nhà môi trường và nhóm các cộng đồng bản địa, trong đó có đề nghị tất cả các nước thành viên nhất trí và làm theo cam kết của Brazil nhằm chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hay như đề xuất của Colombia yêu cầu ngừng tất cả hoạt động thăm dò và khai thác dầu mới.

ACTO được thành lập vào năm 1995, bao gồm các quốc gia Nam Mỹ có chung lưu vực sông Amazon. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên sau 14 năm của ACTO. Hội nghị năm nay ngoài các nước thành viên còn có sự góp mặt các đại diện tới từ Na Uy và Đức, những quốc gia đóng góp lớn cho Quỹ Phát triển bền vững Amazon của Brazil, cũng như các đối tác từ khu vực rừng nhiệt đới quan trọng khác là Indonesia và Congo.

Rừng Amazon, rừng mưa nhiệt đới Congo Basin và khu vực Đông Nam Á là nơi có những khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới cùng nhiều hệ sinh thái quan trọng. Với khu vực rừng Amazon, đây hiện là ngôi nhà chung của hơn ba triệu loài, tương đương khoảng 10% đa dạng sinh học của Trái đất, cùng khoảng 50 triệu người và hàng trăm tỷ cây xanh. Amazon còn là “lá phổi” của hành tinh, hấp thụ khí các-bon đi-ô-xít và cung cấp khí ô-xi, giúp giảm sự ấm lên của Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, nạn phá rừng đang đẩy khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới này đến gần tới điểm cực hạn, nếu vượt qua ngưỡng đó cây cối sẽ chết và giải phóng khí các-bon thay vì hấp thụ, gây hậu quả thảm khốc cho khí hậu toàn cầu.

Trong quá khứ, chính phủ các quốc gia có phần rừng Amazon chủ yếu tập trung vấn đề khai thác mà ít quan tâm đến tính bền vững, lâu dài hay quyền lợi của cộng đồng người bản địa. Ngày nay, khi việc kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên của rừng Amazon ngày càng được chú trọng thì những cơ chế hợp tác xuyên biên giới là điều tất yếu và bắt buộc. Điều này góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn là nguyên nhân chính gây ra nhiều đợt hạn hán, bão lũ hay nắng nóng, cháy rừng trên phạm vi toàn cầu.