Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc sử dụng thuốc lá gây tám triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng một triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm khoảng 1.400 tỷ USD. Tại Việt Nam, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được những kết quả quan trọng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280 nghìn ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015- 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế), Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất trên thế giới và mức giảm nêu trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%. Nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Ðáng lo ngại, hiện trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… thu hút đông đảo giới trẻ sử dụng .
Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15 đến 17 tuổi ở Việt Nam là 2,6%. Trong khi đó, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cũng cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13 đến 15 tuổi là 3,5%. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện cao là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Ngoài nicotine thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 20 nghìn loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa… Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam đưa ra lưu ý, hiện nay, việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm ở nước ta còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, hút thuốc tại nơi có quy định cấm… vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có những chiến lược, cách thức thu hút nhắm thẳng vào giới trẻ. Các nhà sản xuất thường tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm với hình thức đẹp, bắt mắt dễ hấp dẫn với nhiều hương vị mà trẻ em thích như hương vị xoài, táo, chanh leo… Các nhà sản xuất cũng thường sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng mà giới trẻ thần tượng để quảng cáo sản phẩm hoặc bán hàng. Giá bán các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường được bán với giá rất rẻ, vừa với túi tiền của phần lớn giới trẻ ở nước ta hiện nay.
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá lần thứ 6 và 7 đã nêu: Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên tuyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2023 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động có chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá" nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hưởng ứng chủ đề nêu trên, nhất là Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về tác hại của thuốc lá điếu thông thường; thông tin chính xác về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đồng thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động nhằm ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này. Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị An cho rằng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm tại địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu...; sớm ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Mặt khác, lồng ghép các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được triển khai ở các địa phương hiện nay.
Ðồng quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng lộ trình tăng thuế thuốc lá theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; sớm ban hành quy định về cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; xây dựng quy định xử phạt nguội đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhất là hành vi hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm. Tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 568/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà-phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Giai đoạn 2026-2030 giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà-phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%;...
Chiến lược đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có các biện pháp cụ thể như: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế; đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn;...
Sáng 27/5, Bộ Y tế tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5). Phát biểu tại lễ mít-tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, nhất là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do vậy, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.