Đội ngũ những người thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc đang nỗ lực khắc phục những bất cập, hạn chế và từng bước củng cố phát triển để có thể hiện thực hóa khát vọng vươn lên thành điểm sáng trong khu vực và thế giới.
Mục tiêu đối với lĩnh vực y tế được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng là xây dựng nền y tế khoa học, dân tộc và đại chúng; hệ thống y tế phải đáp ứng được yêu cầu công bằng, hiệu quả; bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, toàn ngành y tế đã rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp cụ thể, nhưng có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành y tế khi cả nước phải dồn lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những vấn đề phát sinh hậu Covid -19.
Sau khi dịch bệnh Covid -19 kết thúc, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế tập trung giải quyết những công việc đã phải tạm dừng, ưu tiên cho công tác chống dịch.
Bộ Y tế tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm củng cố lại hệ thống phòng chống dịch bệnh; khám chữa bệnh và xây dựng định hướng phát triển ngành y tế lâu dài nhằm thích ứng những thay đổi về tình hình dịch bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Hàng loạt giải pháp được ban hành và triển khai, từ việc củng cố lại hệ thống pháp lý đến tham mưu về mặt cơ chế, chính sách, quy hoạch, các định hướng phát triển của ngành và chiến lược quốc gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...
Để động viên, khích lệ đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%.
Qua đó bước đầu góp phần giúp cán bộ y tế yên tâm công tác, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Để giữ chân cán bộ cống hiến cho nghề, Bộ Y tế và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp và chính sách động viên về vật chất, tinh thần để nhân viên y tế ngày càng gắn bó với ngành, chung sức, đồng lòng cùng toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong đó, rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu; đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế.
Với mục tiêu xây dựng một nền y học khoa học-dân tộc-đại chúng, ngành y tế xác định chặng đường sắp tới cần tập trung tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao vị thế, uy tín của ngành và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trước bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa dân số, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi…
Đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động ứng phó tốt mọi tình huống dịch bệnh khẩn cấp có thể xảy ra.
Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát của Ðảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế, trong năm 2023 vừa qua nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành y tế đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước.
Đó là cơ sở để ngành xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm quyết định, bứt phá để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng và giải pháp của ngành y tế.
Toàn ngành sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý để ngành có đầy đủ hành lang triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đề ra.
Bên cạnh triển khai có hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi 15/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2023, Bộ Y tế đã và đang xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề khác như:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
- Luật Phòng bệnh;
- Luật Thiết bị y tế;
- Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi);
- Luật Dân số;
- Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi);
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050;
- Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn được ban hành sẽ tạo cơ sở quan trọng cũng như định hướng phát triển của ngành y tế trong giai đoạn tới.
Thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển để y tế cơ sở trở thành nền tảng của hệ thống y tế theo đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới cũng như nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng.
Trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có hệ thống y tế cơ sở tốt và phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở của chúng ta đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần có sự điều chỉnh và hướng ưu tiên mới.
Thứ ba, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế từ Trung ương tới cơ sở; đồng thời, chú trọng ứng dụng, phát triển các kỹ thuật y học tiên tiến để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như nâng cao vị thế của y học Việt Nam.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ các tồn tại, bất cập về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cơ chế tài chính trong công tác khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết các vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ tư, triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/10/2023 với mục đích tập trung, chú trọng phát triển, đưa ngành dược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần để Việt Nam sẽ thành một trong những trung tâm của khu vực và thế giới về công nghiệp dược, dược liệu, thuốc từ dược liệu.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các quy trình của ngành y tế để giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Với nhiều kết quả ngành y tế đã đạt trong thời gian qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành y tế sẽ cố gắng nỗ lực vươn lên, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam hội nhập, phát triển và đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc của người dân.
Hưởng ứng 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024) với chủ đề “Đoàn kết-Chung sức-Đồng lòng”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong ngành y tế cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm hơn nữa để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, ngành y tế luôn cầu thị, nghiêm túc, nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế, yếu kém và quyết tâm khắc phục để phấn đấu, vươn lên, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và sự gửi gắm của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.