Chuyển biến trong sinh hoạt chi bộ
Đầu tháng 5 vừa qua, dự buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ tổ dân phố 3, thuộc Đảng ủy bộ phận khóm 1, phường 2, Thành ủy Sóc Trăng (Sóc Trăng), chúng tôi thấy nội dung buổi họp được chuẩn bị khá công phu, tập trung bàn việc lập lại trật tự buôn bán tại khu vực chợ ở phường. Khu chợ này nằm trong địa bàn tổ dân phố 3, lâu nay, nhiều người vẫn bày bán hàng tràn ra lòng đường, gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt của bà con.
Trong buổi họp, nhiều đảng viên kiến nghị Ban quản lý chợ cần sắp xếp lại các gian hàng, thành lập đội tự quản, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh trong chợ họp đúng nơi quy định, để không cản trở việc đi lại của nhân dân...
Cùng dự buổi sinh hoạt, Bí thư Đảng ủy bộ phận khóm 1 Hồ Thị Bạch Tuyết nhận xét: Không khí sinh hoạt của chi bộ khác trước, bàn những việc rất cụ thể. Đây là sự chuyển biến rõ nét nhất sau khi tổ chức lại các chi bộ và thành lập ĐBBP.
Trước thực tế nhiều chi bộ trong khu dân cư có số lượng đảng viên lớn, dẫn tới tình trạng khó quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, năm 2011, Thành ủy Sóc Trăng thực hiện thí điểm mô hình ĐBBP tại phường 2 và phường 3. ĐBBP trực thuộc Đảng ủy phường, gồm các chi bộ tổ dân phố được tách ra từ chi bộ khóm.
Sau khi sắp xếp lại, các chi bộ giảm từ hơn một trăm đảng viên xuống còn khoảng 30 đảng viên. Số lượng đảng viên không đông như trước, thuận lợi hơn cho các chi ủy trong tổ chức sinh hoạt, cũng như quản lý, giáo dục, giám sát, giao nhiệm vụ đảng viên. Bên cạnh đó, Đảng ủy bộ phận khóm luôn giám sát, hướng dẫn chặt chẽ các chi bộ nên chất lượng sinh hoạt ở các tổ dân phố ngày càng chuyển biến.
Cũng do có số lượng đảng viên lớn, năm 2012, Huyện ủy Nghĩa Ninh (tỉnh Quảng Bình) quyết định lập ĐBBP thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Lê Ngọc Thạch cho biết, tháng nào Đảng ủy cũng chọn một nhiệm vụ trọng tâm, hướng dẫn các chi bộ họp, bàn tổ chức thực hiện.
Việc làm đường giao thông trong thôn nhiều năm nay rất khó khăn, sau khi Đảng ủy hướng dẫn các chi bộ xóm xây dựng và thực hiện nghị quyết chuyên đề thì tình hình đã chuyển biến. Năm 2013, thôn đã hoàn thành rải bê-tông 11 tuyến đường dài gần 1.400 m, còn một số tuyến ngắn đang được làm tiếp.
Chúng tôi đến thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi Đảng ủy bộ phận thôn đang bàn việc dồn điền đổi thửa. Theo Bí thư Đảng ủy Trần Hữu Lực, ĐBBP thôn Tuy Lộc có 214 đảng viên, sinh hoạt tại bảy chi bộ xóm.
Tuy Lộc là thôn thuần nông, để phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy có nghị quyết chuyên đề và tập trung lãnh đạo việc chọn giống lúa mới; xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng; tăng cường các khâu dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) thôn Tuy Lộc Nguyễn Văn Hóa cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng ủy đối với hoạt động của HTXDVNN rất rõ. HTXDVNN bao gồm nhiều tổ, đội sản xuất, nếu đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã thì không sâu sát, nhưng nếu để chi bộ một xóm lãnh đạo thì khó đạt hiệu quả.
Cần quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể
Bên cạnh những mặt được, có thể nói hoạt động của ĐBBP cấp thôn còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là về chế độ và kinh phí hoạt động. Tiếp xúc với các bí thư Đảng ủy bộ phận thuộc Thành ủy Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi đều nhận thấy những băn khoăn. Hầu hết các đồng chí trong cấp ủy phải tự bỏ tiền ra để phô-tô tài liệu và nhiều chi phí khác. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì về lâu dài sẽ gặp khó khăn. Tại hai thôn Hồng Thái và Hồng Văn, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tiến hành thành lập hai ĐBBP thôn từ năm 1982 nhưng mười năm sau thì phải giải thể, trong đó có lý do từ kinh phí hoạt động. Chính sách cán bộ cho mô hình ĐBBP cũng là điều băn khoăn của nhiều cấp ủy đảng. Nhiều đồng chí bí thư Đảng ủy bộ phận cấp thôn ở tỉnh Quảng Bình cho biết chỉ có bí thư Đảng ủy bộ phận và bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy bộ phận được hưởng phụ cấp (từ 0,6 đến 0,8% lương cơ bản) còn đảng ủy viên thì không có khoản phụ cấp nào, cho nên khó động viên đảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
Để thực hiện mô hình ĐBBP trong khu dân cư, cần có những quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ,... TP Hà Nội là một địa phương có nhiều chi bộ khu dân cư có số lượng đảng viên lớn, không ít chi bộ có hàng trăm đảng viên trở lên, nhưng trong đề án củng cố hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở, xã, phường, thị trấn mới đây, thành phố cũng không áp dụng mô hình này. Lý giải của Thành ủy Hà Nội là do đây là một tổ chức trung gian, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo không cao, nhiều khi còn làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo trực tiếp với cơ sở. Nếu áp dụng mô hình này, tổ chức Đảng khu dân cư sẽ "phình ra", không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Thực tế là nhiều chi bộ khu dân cư ở một số tỉnh, thành phố số lượng đảng viên ngày càng đông. Bên cạnh đó, yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở ngày càng cao. Mô hình ĐBBP trong khu dân cư là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng nhiệm vụ đó. Nhưng từ những kết quả đạt được và chưa được, chúng tôi thấy cần sớm tổng kết, kịp thời xây dựng, bổ sung quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, chế độ chính sách của ĐBBP trong khu dân cư để có thể phát huy cao nhất hiệu quả.