Chung quanh việc dừng dự án trồng cây cao su ở Phú Thọ

NDĐT - Thời gian gần đây, người dân và nhiều cán bộ, công nhân đang trực tiếp chăm sóc gần 200 ha cây cao su tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hoang mang trước quyết định cho dừng dự án trồng cây cao su trên địa bàn của tỉnh Phú Thọ. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, đây là dự án không có tính khả thi và không được thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra dẫn đến hiệu quả không cao, gây lãng phí tài nguyên đất.

Cây cao su được trồng tại xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê từ năm 2011.
Cây cao su được trồng tại xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê từ năm 2011.

Một dự án quy mô

Tháng 12-2010, UBND tỉnh Phú Thọ đã duyệt quyết định Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với mục tiêu phát triển cây cao su phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, quy hoạch diện tích trồng cây cao su đến năm 2020 là 13.450 ha (quy mô đại điền là 10.305 ha, tiểu điền 3.145 ha) và được chia làm hai giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 (từ năm 2010 - 2012) trồng 2.000 ha cao su tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê. Giai đoạn 2 (từ năm 2013 - 2020) trồng 11.450 ha cao su tại năm huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Yên Lập.

Đồng thời, trong thời gian này, phải xây dựng được ba nhà máy chế biến mủ cao su công suất 7.500 - 9.000 tấn mủ/năm tại huyện Tân Sơn (hai nhà máy) và Tân Sơn (một nhà máy). Tổng nguồn vốn để đầu tư thực hiện dự án hơn 1.700 tỷ đồng.

Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Phú Thọ và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã có biên bản ghi nhớ. Trong đó, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam giữ cổ phần chi phối và giao cho Công ty cao su Phú Riềng làm chủ đầu tư và triển khai thành lập Công ty cổ phần cao su Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm giao cho Công ty cổ phần cao su Phú Thọ khoảng 200 ha đất đủ điều kiện để trồng cao su, đất liền vùng, liền khoảnh tối thiểu 50 ha. Sau đó, Công ty cổ phần cao su Phú Thọ có trách nhiệm tổ chức khai hoang, trồng cao su làm mô hình trình diễn để các đơn vị kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh đến học tập và triển khai.

Nhưng không có khả thi

Sau khi các thủ tục cần thiết được hai bên thống nhất, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định tạm thu hồi đất của Xí nghiệp chè Vạn Thắng thuộc Công ty cổ phần chè Phú Thọ và tạm giao đất cho Ban dự án phát triển cây cao su Phú Thọ trồng cây cao su mô hình trình diễn tại huyện Cẩm Khê và Yên Lập.

Như vậy, năm 2010, dự án thí điểm trồng cây cao su được triển khai trên địa bàn xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê với tổng diện tích 188 ha, trong đó, năm 2010 trồng 4 ha, năm 2011 trồng 31,4 ha, năm 2012 tăng lên 152,6 ha.

Tuy nhiên, ngay khi diện tích hơn 4 ha cao su được trồng năm 2010 thì đến năm 2011, toàn bộ diện tích cao su giống GT1, Rim 600, Ric 121 và Lai Hoa 83-85 trồng mới đều bị chết do rét hại kéo dài. Đây cũng là thực trạng chung tại một số tỉnh phía bắc. Nguyên nhân do trong quá trình triển khai, đơn vị chưa nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu để trồng giống cao su phù hợp.

Trước tình hình trên, Bộ NN và PTNT đã có Chỉ thị khuyến cáo các tỉnh vùng Đông Bắc, trong đó có Phú Thọ trước mắt trồng cây cao su ở quy mô thử nghiệm, tiến hành đánh giá bộ giống phù hợp theo hướng chủ yếu sử dụng giống cao su chịu lạnh.

Đồng thời, giao Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phối hợp với các tỉnh và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đánh giá, xem xét và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo quyết định phê duyệt dự án và cam kết của nhà đầu tư, nhưng cho đến nay, dự án mới chỉ trồng được 188 ha tại địa bàn xã Đồng Lương. Trong khi những cam kết của nhà đầu tư như mở rộng diện tích theo quy hoạch, thành lập Công ty cổ phần cao su Phú Thọ, lập quy hoạch, dự án… vẫn nằm trên giấy.

Trước việc hiệu quả không cao của dự án, gây lãng phí tài nguyên đất, sau khi nghiên cứu, xem xét kỹ hiệu quả cả dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ kết luận dừng triển khai dự án trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; kết thúc và thanh lý mô hình trồng thử nghiệm cây cao su.

Trong giai đoạn tới, với mục tiêu sử dụng đất đai có hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Do đó, không đưa cây cao su vào quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản dến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, giao UBND tỉnh Phú Thọ xem xét thực hiện các bước theo đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành của Nhà nước; xây dựng phương án thanh lý bảo đảm hài hòa giữa nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người dân và người lao động.

Đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, có thể nói, dự án trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiệu quả không như mong đợi. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ thực hiện thu hồi đất, hoàn thiện các thủ tục về đất đai của Công ty cổ phần chè Phú Thọ (diện tích Xí nghiệp chè Vạn Thắng đã giải thể).

Đồng thời, sử dụng toàn bộ diện tích đất sau thu hồi để kêu gọi, thu hút dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp bảo đảm hiệu quả, xác định là diện tích đất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn.

Trong trường hợp có nhà đầu tư đăng ký xin được giao đất để đầu tư phát triển nông nghiệp thì tiến hành các thủ tục theo quy định. Nếu chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư thì giao cho UBND huyện Cẩm Khê quản lý.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có tờ trình trình HĐND tỉnh xem xét bãi bỏ Nghị quyết số 229 ngày 14-12-2010 về quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm