Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình cho biết, sau hơn 3 tháng chính quyền thành phố ra văn bản chấn chỉnh, đến nay việc dạy thêm, học thêm gần như “đóng băng”, không còn tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Để giữ nghiêm kỷ cương, lần đầu tiên thành phố Thái Bình tiến hành xử lý kỷ luật 3 trường hợp giáo viên vi phạm hoạt động này. Cụ thể, cho nghỉ việc 1 giáo viên tập sự và điều chuyển 2 giáo viên sang trường khác trên địa bàn.
Trước đây, việc quản lý, giám sát dạy thêm, học thêm không hiệu quả vì chỉ giao phó cho ngành giáo dục thực hiện. Nhưng hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình yêu cầu tất cả các xã, phường phải tham gia và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định diễn ra trên địa bàn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình đã chỉ đạo các nhà trường yêu cầu giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm trái quy định dưới mọi hình thức; tăng cường kiểm tra, xử lý các giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Trong thời gian qua, Công an thành phố Thái Bình cũng đã chỉ đạo Công an các phường, xã chủ động nắm tình hình, tăng cường kiểm tra vi phạm về dạy thêm, học thêm, kịp thời báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết, xử lý từ cơ sở.
Cô Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho rằng, cần có một hướng mở đáp ứng nguyện vọng được học thêm của phụ huynh và học sinh. |
Cô Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Xuân (thành phố Thái Bình) chia sẻ, việc siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định là đúng, tuy nhiên phải thấy rằng việc học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh và các bậc phụ huynh có con em đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, nên có một hướng mở nào đó đáp ứng nguyện vọng được học thêm, tích lũy kiến thức của học sinh, chứ không nên cứng nhắc “đóng băng” hoạt động này như hiện nay.
Chung quanh việc Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình có nhiều giải pháp quyết liệt chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên dạy khối lớp 9, Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (thành phố Thái Bình) cho biết, việc “đóng băng” dạy thêm, học thêm thời điểm này rất khó khăn cho học sinh lớp 9 đang trong thời điểm thi chuyển cấp học.
Thực tế, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp, các con vẫn muốn được kèm cặp nhiều hơn, ôn luyện nhiều hơn các chuyên đề nâng cao để đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, nhằm đạt yêu cầu trong kỳ thi chuyển cấp.
Cô Nguyễn Thị Hoa, Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Thái Bình) cho hay, việc "đóng băng" dạy thêm, học thêm thời điểm này tác động lớn đến học sinh lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp, bởi học sinh cần được dung nạp rất nhiều kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới, trong khi quỹ thời gian học trên lớp không nhiều. |
Cô Hoa tâm sự, nhiều phụ huynh không có chuyên môn, không có kiến thức để kèm cặp cho con em mình tỏ ra rất lo lắng và tha thiết đề nghị tổ chức dạy thêm, nhưng cô không dám nhận, bởi như vậy là vi phạm quy định của ngành, của thành phố đề ra.
Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh cho hay, bản thân nhà trường cũng đã có kế hoạch nâng cao chất lượng học tập của học sinh, tuy nhiên thời gian học sinh học ở trường cũng không nhiều. Nhà trường cũng không có thời gian để đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh được, nhân lực cũng có hạn. Vì vậy, rất mong muốn các cấp, các ngành, cơ quan chức năng tạo ra hành lang pháp lý cho việc dạy thêm, học thêm, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.
Việc được học thêm, tích lũy kiến thức là nhu cầu chính đáng của học sinh. |
Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm mà chỉ được dạy thêm trong cơ sở được cấp phép. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ trên địa bàn thành phố Thái Bình, mà kể cả toàn tỉnh chỉ có các trung tâm ngoại ngữ được cấp phép. Do đó, việc “đóng băng” hoạt động dạy thêm, học thêm (đối với các môn học khác) nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của học sinh.
Để tháo gỡ những bất cập hiện nay trong công tác dạy thêm, học thêm, tháng 3 vừa qua, bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, sớm ban hành quy định cụ thể về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Trong đó, cần làm rõ các điều kiện đối với những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục nhằm bảo đảm việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định.