Chứng khoán có Luật mới, áp dụng từ năm 2021

NDO -

NDĐT - Chiều 26-11, với 445 đại biểu tán thành chiếm 92,13%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Với 10 chương 135 điều, Luật chứng khoán (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)

Tiếp tục duy trì hai Sở GDCK

Về Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam, để bảo đảm bước đi phù hợp, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến TTCK, Luật Chứng khoán (sửa đổi) giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của SGDCK Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở GDCK Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Tài chính; Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức, phân công thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Sở GDCK Việt Nam và công ty con trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Tài chính.

Khi điều kiện cho phép, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thẩm quyền quyết định việc hình thành mô hình một Sở GDCK duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.

Về ý kiến đề nghị SGDCK Việt Nam tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Dự kiến, Sở GDCK Việt Nam sẽ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Sau khi tiến hành cổ phần hóa sau năm 2023, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho UBCKNN

Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Cụ thể, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở luật hóa quy định tại Quyết định số 458/2015/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của UBCKNN trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), bao gồm: tổ chức, phát triển TTCK; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…

Đồng thời, Luật chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể hơn các biện pháp và điều kiện áp dụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn của thị trường, không làm hạn chế quyền của công dân tại các Điều 46, 49 và 68. Ngoài ra, Luật cũng quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 9 về việc yêu cầu UBCKNN phải báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện biện pháp này, bảo đảm tính chặt chẽ đồng thời nhằm bảo đảm ứng phó kịp thời với những biến động của TTCK và phù hợp với thông lệ quốc tế, các nguyên tắc của IOSCO.

Chứng khoán có Luật mới, áp dụng từ năm 2021 ảnh 1

Kết quả biểu quyết Luật Chứng khoán (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô TTCK.

Tăng chế tài xử phạt

Các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (bao gồm: đình chỉ có thời hạn các hoạt động về chứng khoán và TTCK; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính).

Để tăng cường răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn TTCK, tại Điều 7 của dự thảo Luật đã bổ sung các biện pháp mạnh như: cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Hơn nữa, mức xử lý vi phạm phạt tối đa lên đến 10 lần khoản thu trái pháp luật, đồng thời mức phạt hành chính tối đa đối với tổ chức là 3 tỷ đồng, và 1,5 tỷ đồng với cá nhân. Biện pháp thu hồi khoản thu hay số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể (nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền áp dụng) tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các ngành, lĩnh vực.