Tập hợp dòng ca khúc này, chúng ta thấy rõ sự phát triển về mặt nhận thức của chủ thể thẩm mỹ (nhạc sĩ - tác giả) trong quá trình phản ánh đối tượng thẩm mỹ: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở thời đầu cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, ta bắt gặp nét hồn nhiên trong nhiều tác phẩm viết về Bác. Tác phẩm đầu tiên về Bác là ca khúc Hồ Chí Minh muôn năm (1945) của Minh Tâm và Phạm Văn Xung. Kể từ đó là những ca khúc của Lưu Bách Thụ, Phong Nhã, Vân Ðông, Phan Huỳnh Ðiểu, Mai Khanh, Văn Ðức, Phạm Văn Cường...
Lời ca thường gặp là những từ "muôn năm", "nhớ ơn", "vầng dương", "ánh hồng", "vì sao"... với chất ngợi ca tôn nghiêm, thành kính. Tiêu biểu là Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1948) của Lưu Hữu Phước buổi đầu, ca khúc có tên Lãnh tụ ca. Năm 1951, khi đưa tác phẩm này đi dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tại Berlin (Ðức), nhà văn Nguyễn Ðình Thi đã viết lại lời bài hát (lời I). Năm 1954, Lưu Hữu Phước viết tiếp lời mới cho ca khúc (lời II và III)...
Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Bác, nhân dân ta đã giành được một nửa đất nước và hình ảnh Bác Hồ tiếp tục được thể hiện ở nhiều ca khúc trữ tình của Hồ Bắc, Vũ Thế Khanh, Tô Vũ, Lê Yên, Tường Vi, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Ðăng, Phan Chí Thanh, Trần Kiết Tường... Chủ thể sáng tác (nhạc sĩ) đã bắt đầu nói về mình khi hát về Người...
Một đặc điểm "tự thể hiện mình" của nhiều nhạc sĩ khi viết về Bác Hồ là tìm đến cội nguồn dân tộc: khai thác chất liệu dân ca (Kpa Púi, Tường Vi), tiếp nhận âm hưởng của âm nhạc dân gian (Lê Yên, Tô Vũ), dựa vào một nét đặc trưng của làn điệu dân ca để phát triển (Nguyễn Tài Tuệ, Trần Kiết Tường)... hình thành nên chùm ca khúc ngợi ca Bác mang đậm ngôn ngữ âm nhạc dân tộc; tiêu biểu là: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ) và Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường). Ở hai tác phẩm này sự kính yêu, ngưỡng mộ lãnh tụ đã hòa đồng với tình cảm bao la trước đất trời, núi rừng, sông biển... của Tổ quốc.
Ðặc biệt, sau ngày Bác Hồ qua đời đã xuất hiện hàng loạt ca khúc. Gần như khi ấy, cả giới âm nhạc đều tự thấy phải nói lên tấm lòng của mình với Người; đó là: Cao Việt Bách, Lưu Cầu, Văn Chung (và Hoàng Trung Thông), Huy Du, Văn Dung, Ðỗ Dũng (và Trần Nhật Lam), Xuân Giao, Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Nguyễn Xuân Khoát, Cầm Phong, Trần Quý, Nguyễn Văn Quỳ, Phạm Ðình Sáu (và Tố Hữu), Nguyễn Ðình Tấn, La Thăng, Huy Thục, Phạm Tuyên, Thuận Yến...
Trong tuyển tập Tình Bác sáng đời ta của Nhà xuất bản Văn hóa (1976) gồm 60 bài thì đã có 26 bài viết sau ngày Bác mất với nhiều tìm tòi mới về thể loại, cách khai thác đề tài, cách xây dựng hình tượng âm nhạc...
Nhìn chung có hai xu hướng viết về Bác trong ca khúc, đó là: từ nhận thức về vai trò của Bác để ca ngợi tầm trí tuệ vĩ đại của lãnh tụ; từ tình cảm để thể hiện một số nét cụ thể về con người và cuộc sống của Người qua mối quan hệ giữa lãnh tụ và các tầng lớp nhân dân và hướng đến khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản vĩ đại, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Người nghe còn bắt gặp trong ca khúc những suy tư đầy lạc quan về tiền đồ và sự nghiệp của cách mạng qua Lời thề sắt son (Nguyễn Ðình Tấn) và Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh).
Ngoài ra nhiều nhạc sĩ còn khai thác cái bình dị, dung dị từ chính cuộc sống và những kỷ vật của Bác như: đôi dép, hàng cây, khi ru con, lúc ra suối... để gợi nhớ công ơn trời biển của Người (Văn An, Nguyễn Ðức Chính, Tân Huyền, Ðỗ Nhuận, Xuân Giao...).
... Hình ảnh Bác Hồ luôn sống mãi cùng những đoàn quân ra trận và được phản ánh sinh động qua nhiều ca khúc, điển hình là Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục)... Ðặc biệt, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên) được xem là thông điệp bằng âm thanh với bầu bạn quốc tế về Ngày toàn thắng của Việt Nam sau 30 năm chiến đấu và chiến thắng "hai đế quốc to".
Dòng ca khúc về Người ngày càng lan tỏa trong không gian và thời gian với sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ: Cao Việt Bách và Ðăng Trung, Ðoàn Bổng, Nguyễn Cường, Văn Dung, Hoàng Hiệp (và Viễn Phương), Trần Hoàn, Nguyễn Ðình Phúc, Duy Quang, Trần Tiến, Nguyễn Ðình Tấn, Nguyễn Mạnh Thường, Trúc Tiêu, Thuận Yến...
Những nét mới trong cảm xúc sâu lắng, tinh tế về Bác thấm đẫm qua: Vào Lăng viếng Bác (Hoàng Hiệp và Viễn Phương), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (Trần Hoàn và Quý Doãn), Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung), Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Ðình, Miền trung nhớ Bác (Thuận Yến)...
Kế đó là Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác (Cao Việt Bách và Ðăng Trung), Thế giới hát về Người (Ðoàn Bổng), Nhà Rồng lúc con tàu tách bến (Nguyễn Cường), Ngôi sao tháng năm (Duy Quang), Nhân loại hát tên Người, Non nước khắc tên Người - Hồ Chí Minh (Nguyễn Mạnh Thường), Bạn muốn đến với Lê-nin - Hồ Chí Minh (Trần Tiến)... Tuy có sự phong phú về nội dung và hình thức thể hiện nhưng chùm ca khúc về Bác có một mẫu số chung là sự tự tin, tự tôn dân tộc luôn ánh lên khi ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại...