Nghị quyết nêu rõ: Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Viện Nghiên cứu lập pháp có nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu để tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn những vấn đề liên quan đến việc Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Nhiệm vụ tiếp theo là tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh; đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; hỗ trợ trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do đại biểu Quốc hội trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quy trình lập pháp.
Viện Nghiên cứu lập pháp chủ động hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội tổ chức cung cấp thông tin khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp để phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu lập pháp còn giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện hoạt động hợp tác triển khai nghiên cứu, thông tin khoa học lập pháp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, thông tin ở trong nước và nước ngoài; tiếp nhận, quản lý, khai thác, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp, tài liệu, sản phẩm chứa đựng thông tin khoa học lập pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để cung cấp phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Về cơ cấu tổ chức, Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và công chức, viên chức, người lao động.
Biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và cộng tác viên.
Viện Nghiên cứu lập pháp có các đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước; Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội; Ban Quản lý khoa học; Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo Luật Báo chí và quy định của pháp luật có liên quan, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Nghị quyết cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; kinh phí và điều kiện bảo đảm...