Chuẩn hóa hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý hải quan

Báo cáo tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, quá trình vận hành hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện theo hệ thống pháp lý xây dựng trên nền tảng hệ thống thông quan hàng hóa tự động/hệ thống thông tin tình báo hải quan (VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ (vận hành từ năm 2014) và các hệ thống vệ tinh do ngành Hải quan xây dựng nhưng chưa lường trước được xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, chưa dự báo được sự gia tăng không ngừng của kim ngạch xuất, nhập khẩu dẫn đến giải quyết công việc còn một số tồn tại, hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Đình Vũ. Ảnh: TRẦN HẢI
Cảng Đình Vũ. Ảnh: TRẦN HẢI

Trong đó, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (hệ thống cốt lõi là VNACCS/VCIS và hơn 20 hệ thống vệ tinh) qua gần 10 năm vận hành, tần suất xảy ra sự cố phần cứng và phần mềm ứng dụng ngày càng tăng; chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự tăng trưởng đột biến về lượng giao dịch của các loại hình thương mại mới dẫn đến bị quá tải, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam.

Mặt khác, Hệ thống Một cửa quốc gia hiện nay chưa đáp ứng được việc kết nối trao đổi thông tin điện tử tự động với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để tự động phân tích, đánh giá thông tin xác định trọng điểm. Một số thủ tục hành chính liên quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh của các bộ, ngành hiện nay chưa được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, chưa được kết nối và trao đổi thông tin với hệ thống của hải quan để phục vụ quá trình giải quyết thủ tục hải quan.

Về thể chế, chính sách, Bộ Tài chính nêu rõ, các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan đang áp dụng hiện nay được xây dựng trên nền tảng hệ thống VNACCS/VCIS có dấu hiệu lạc hậu, chưa phù hợp sự phát triển của công nghệ thông tin và các hoạt động thương mại mới phát sinh (thương mại điện tử, mua bán qua các bên trung gian...).

Vì vậy, chưa có cơ sở để triển khai dữ liệu số về hồ sơ trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan hướng tới quản lý thông tin điện tử tập trung bảo đảm công việc được quản lý theo chuỗi, xuyên suốt đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối (trước, trong và sau thông quan).

Trước bối cảnh lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu gia tăng với kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng nhiều, số lượng tờ khai phát sinh lớn, các đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành Hải quan cần tăng cường thực hiện thủ tục hải quan điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin, các nội dung về thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan phải được đơn giản hóa, hài hòa hóa, phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Các nội dung cốt lõi cần hướng tới là triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức hải quan thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao; triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh bảo đảm cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Vấn đề quan trọng nữa trong thời gian tới cần triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, kịp thời ngăn chặn các vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái bảo vệ động vật hoang dã…

Yêu cầu trước mắt và lâu dài được đại biểu Quốc hội, người dân và doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị ngành Hải quan quan tâm đầu tư nguồn lực, nhân lực nâng cấp hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN để đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ việc xử lý tự động của hệ thống hải quan số.

Xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung, mô hình địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan phù hợp tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả nghiệp vụ quản lý rủi ro như: Đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan; phân tích, đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm để cảnh báo rủi ro, áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp, hiệu quả ở ba khâu trước, trong và sau thông quan.