Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Năm 2024, nhận diện những khó khăn, thách thức do một số thị trường lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất,... ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hải quan Quảng Ninh đã chủ động nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp trong việc khai thác các nguồn hàng xuất nhập khẩu mới qua địa bàn để kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền có chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng xuất, nhập khẩu hàng hóa dịp đầu năm.
Cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng xuất, nhập khẩu hàng hóa dịp đầu năm.

Những chuyển biến tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh những tháng đầu năm 2024 cho thấy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã chủ động bắt nhịp vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hai chiều tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn.

Đồng hành doanh nghiệp

Những tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở tại thành phố Móng Cái khá sôi động. Ông Ngô Văn Tùng, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Bạch Ðằng cho biết: Lô hàng thủy, hải sản tươi sống của công ty được vận chuyển từ Cà Mau ra Hà Nội, sau đó đi thẳng qua tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh với thời gian rất ngắn. Tại Móng Cái, các lực lượng chức năng khối cửa khẩu, nhất là lực lượng hải quan đã tạo mọi điều kiện để đơn vị thông quan hàng hóa, bảo đảm thời gian giao hàng với đối tác theo đúng hợp đồng đã ký.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã quyết liệt cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. Chi cục đã bố trí cán bộ, nhân viên ứng trực thường xuyên để bảo đảm hỗ trợ cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất.

Ðến hết tháng 2, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã làm thủ tục cho gần 11.300 tờ khai với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu hơn 470 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 277,79 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 192,33 triệu USD, tăng 31,13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 209 tỷ đồng.

Ðầu năm 2024, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo chuyên đề cũng đã được Cục Hải quan Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện như quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ; chế xuất, phân loại, xuất xứ, các điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên; các quy định về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các chuyên đề khác theo đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp,... Ðặc biệt, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các bên có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành hải quan.

Tại cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, lực lượng hải quan cửa khẩu đã tích cực phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu, đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu gồm biên phòng, công an điều tiết giao thông thuận tiện cho các phương tiện ra, vào và bảo đảm an ninh trật tự cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày có hơn 250 phương tiện chở hàng hóa gồm gạch, vỏ quế khô, hoa hồi khô, giày dép, máy đào, phụ tùng ô-tô, hàng tiêu dùng, nông sản chế biến,… xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hoành Mô. Ðến hết tháng 2, Chi cục Hải quan đã làm thủ tục thông quan cho 540 tờ khai với kim ngạch đạt 20,2 triệu USD, tăng 19,9%; thu ngân sách nhà nước 15,6 tỷ đồng, tăng 55,53% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp đơn vị liên quan rà soát các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế và các dự án lớn ngoài khu công nghiệp để chủ động hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư cho dự án; đề xuất cấp có thẩm quyền trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc xem xét tăng thời gian mở cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Hoạt động đối ngoại hiệu quả

Ðầu năm 2024, tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), hai bên đã thống nhất đi sâu hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm một cách thực chất hơn; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới; tích cực thúc đẩy mở mới, nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng cầu Bắc Luân III và hướng đến xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giao thông đường sắt, đường cao tốc mỗi bên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy cho biết: Thành phố chủ động duy trì hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân giữa Móng Cái (Việt Nam) và Ðông Hưng (Trung Quốc) thông qua hội đàm, trao đổi trực tiếp đường dây nóng ngoại vụ và trao đổi thư nắm tình hình, phương án nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái-Ðông Hưng và một số lối mở trên địa bàn bảo đảm theo tinh thần hợp tác mà hai bên đã thống nhất. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Hoạt động đối ngoại hiệu quả, linh hoạt, giải quyết nhanh gọn các vấn đề phát sinh trên biên giới, bảo đảm ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong nhiều năm giữa hai địa phương Móng Cái và Ðông Hưng chính là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội hai bên khu vực biên giới phát triển lên một tầm cao mới, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai địa phương.

Theo báo cáo của thành phố Móng Cái, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm 2024 trên địa bàn đạt 163.930 tấn; trong đó, cửa khẩu cầu Bắc Luân II đạt 110.659 tấn, bình quân mỗi ngày có 2.128 tấn hàng hóa được thông thương qua cửa khẩu. Tại lối mở cầu phao Km 3+4 Hải Yên hàng hóa xuất khẩu đạt 48.915 tấn hàng hóa, trong đó có 18.286 tấn hoa quả; 20.724 tấn thủy, hải sản đông lạnh; 932 tấn hạt khô và hàng hóa khác; 8.973 tấn tôm, cua, cá sống.

Với những lợi thế và tiềm năng của mình, thành phố Móng Cái đang tiếp tục nỗ lực hướng đến mục tiêu trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia và là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.