Huyện Điện Biên được chia tách từ năm 2013, là huyện mới cho nên đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn yếu. Huyện phải đưa cán bộ xuống 10 xã làm bí thư, phó bí thư… Tuy nhiên, việc tăng cường cán bộ được cho là cách làm mang tính tạm thời, kết quả đạt được ở mức tương đối vì cán bộ được tăng cường từ huyện xuống, có trình độ chuyên môn nhưng kinh nghiệm và thực tiễn hạn chế, không hiểu phong tục tập quán, không biết tiếng đồng bào... Trong nhiệm kỳ trước, Huyện ủy Điện Biên điều động bốn đồng chí xuống các xã làm bí thư, phó bí thư. Nhiệm kỳ này, sau đại hội, huyện tiếp tục điều động bảy đồng chí xuống làm bí thư, phó bí thư xã. Vì thế, đội ngũ cán bộ xã, cán bộ chủ chốt như bí thư, chủ tịch cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, từ năm 2008, thực hiện Nghị định 92 về Công chức xã, huyện Điện Biên đã cho nghỉ việc những công chức không đạt trình độ chuyên môn và tuyển dụng mới công chức cấp xã hằng năm. Vì vậy, trình độ cán bộ, công chức cấp xã về cơ bản đáp ứng được nhu cầu, tận tụy với công việc, đủ năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đến nay, Đảng bộ huyện Điện Biên đã hoàn thiện quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. Công tác cán bộ được triển khai theo hướng chuẩn hóa về nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đối với cán bộ cấp xã, phải có bằng trung cấp chuyên môn và trung cấp chính trị. Theo quy hoạch đã được phê duyệt và bổ sung từ nhiệm kỳ trước, công tác luân chuyển cán bộ đã và đang được triển khai tích cực. Đối với cán bộ cấp xã trong diện quy hoạch, thực hiện luân chuyển lên huyện hai năm sau đó quay về cơ sở, đồng thời thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã làm việc, xét trên trình độ, năng lực xử lý công việc, sẽ quy hoạch cán bộ nguồn chủ chốt. Thực hiện nghiêm quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, năm 2013, huyện đã mở 17 lớp bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở với 303 học viên; một lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 50 học viên; cử một đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, bốn đồng chí đi tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng đảng; năm đồng chí đi học lớp lý luận chính trị trung cấp; 13 đồng chí bí thư đảng ủy xã đi học lớp bồi dưỡng bí thư đảng ủy cấp xã tại trường chính trị tỉnh…
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Biên Lò Văn Phương nêu rõ: Đội ngũ công chức xã hiện nay đều được tuyển mới, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nhưng đội ngũ cán bộ xã được bầu qua hội đồng nhân dân, UBND hoặc bầu qua cấp ủy, các đoàn thể… trình độ còn hạn chế. Việc cần làm trước mắt là tập trung củng cố đội ngũ cán bộ cấp xã, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ và làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã. Khó khăn của huyện hiện nay là tìm, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận.
Mường Ảng là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, thành lập tháng 11-2012. Đầu nhiệm kỳ 2012-2015, huyện Mường Ảng tuyển dụng 59 cán bộ, công chức cấp xã và từng bước nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho đội ngũ này. Huyện đặc biệt quan tâm và nâng cao tiêu chí đầu vào. Trước đây, đội ngũ cán bộ hầu hết chỉ học hết THCS, hiện nay, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 73%. Đối với chất lượng nguồn nhân lực cấp xã, trong gần ba năm qua, huyện Mường Ảng đào tạo 3.252 đồng chí có trình độ trung cấp; cao đẳng, đại học 50 đồng chí. Về lý luận chính trị, chín đồng chí có trình độ trung cấp, sáu đồng chí cao cấp, ngoài ra huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận và chuyên môn nghiệp vụ. So với đầu nhiệm kỳ, chất lượng đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Trần Thanh Hà cho biết, đội ngũ cán bộ trong nhiệm kỳ vừa qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tuy giá trị phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được, số thu trên địa bàn các xã còn thấp, nhưng đội ngũ cán bộ xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới và triển khai các mục tiêu đề ra. Huyện Mường Ảng được tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị sớm nhất hoàn thành giảm nghèo nhanh, bền vững. Tuy nhiên, phương pháp làm việc của cán bộ cấp cơ sở, hầu hết còn mang tính truyền thống, đôi khi mang tính gia đình. Trong ban chấp hành một số xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một nửa là con cháu trong gia đình, dòng họ, đôi khi giải quyết công việc vẫn nặng tính gia đình. Đội ngũ cán bộ còn bị động trong tranh thủ ý kiến chỉ đạo của huyện để tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ phát triển kinh tế hoặc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở…
Nhìn nhận những hạn chế của đội ngũ cán bộ cấp xã, đồng chí Trần Thanh Hà cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, nâng cao năng lực lãnh đạo và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát thống kê đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đối tượng cán bộ nữ, người địa phương, tập trung đào tạo, quan tâm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ. Giải pháp thứ hai là luân chuyển cán bộ sang các xã khác nhau để tránh tình trạng cán bộ hoạt động theo dòng họ, đồng thời thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với công việc.
Đồng chí Mùa A Sùng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh được kiện toàn phần nào, đáp ứng yêu cầu công việc. Thời gian tới, Tỉnh ủy triển khai một số chỉ tiêu cụ thể về công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.