Chuẩn bị thông xe, đưa vào khai thác 3 dự án đường cao tốc bắc-nam

Sau gần 1.000 ngày đêm thi công, vượt qua nhiều trở ngại, thách thức do thời tiết, giá vật liệu tăng và khan hiếm vật liệu, ba dự án thành phần cao tốc bắc-nam gồm Mai Sơn-quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đang được các nhà thầu “bứt tốc” hoàn thiện các hạng mục cuối để kịp thông xe, đưa vào khai thác trong dịp lễ 30/4.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu Trung Chính thi công lắp đặt khe co giãn cầu chính tuyến trên đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Nhà thầu Trung Chính thi công lắp đặt khe co giãn cầu chính tuyến trên đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.

Ngay trước “giờ G”, nhìn những cung đường thẳng tắp, sơn kẻ trắng tinh, cùng với các công trình cầu, hầm hiện đại, hoành tráng, ít ai biết chỉ vài tháng trước, kể cả người trong cuộc cũng không dám tin 3 dự án khánh thành đúng hẹn, tưởng như nhiệm vụ bất khả thi vì công địa nhiều gói thầu còn hết sức bề bộn, ngổn ngang…

Những công trình “về đích” sớm

Những ngày giữa tháng 4 này, tại hầm xuyên núi Thung Thi, một trong những công trình hầm đường bộ hiện đại, quy mô lớn trên tuyến cao tốc bắc-nam, từng tốp công nhân đang khẩn trương lắp đặt hộ lan, cọc tiêu, biển báo, thiết bị an toàn giao thông, hoàn thiện các hạng mục sơn kẻ đường, dự kiến sẽ hoàn tất toàn bộ trước ngày 24/4 để bàn giao cho chủ đầu tư, sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác trong dịp lễ 30/4 tới đây.

Hầm có quy mô vĩnh cửu, là hạng mục quan trọng thuộc gói thầu 12-XL (dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45), do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà thầu thi công. Hầm có chiều dài 680m, gồm 2 ống hầm cao 8m, mỗi ống quy mô 3 làn xe cơ giới và 1 làn công vụ, giá trị xây lắp 660 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa giá trị gói thầu. Hầm được đào theo phương pháp NATM hiện đại, bố trí đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thông gió.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, Phạm Duy Hiếu cho biết, so với 5 gói thầu xây lắp của dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, gói 12-XL khởi công muộn hơn khoảng 3 tháng. Tại chuyến kiểm tra, thị sát các dự án đường cao tốc bắc-nam đầu Xuân 2022 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã cam kết phấn đấu hoàn thành gói thầu cùng thời gian với các gói khác.

Giữ đúng lời hứa, Đèo Cả đã huy động hơn 100 đầu máy, thiết bị cùng đội quân tinh nhuệ hơn 300 người dồn về công trường thi công 24/7, không có ngày nghỉ. Tổng thời gian thực hiện khối lượng xây lắp (gồm cả đào hầm, phun bê-tông gia cố vỏ hầm, đổ bê-tông mặt đường) được rút ngắn chỉ còn 21 tháng so với 24 tháng theo kế hoạch. Hầm Thung Thi trở thành một trong những công trình hoàn thành sớm tại 3 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam sẽ đưa vào khai thác dịp 30/4 này.

Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long cho biết, đoạn đường dài hơn 63km (qua tỉnh Ninh Bình hơn 14km, Thanh Hóa hơn 49km), theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, do tác động nhiều yếu tố như dịch bệnh, thời tiết bất thuận, địa chất phức tạp, “bão giá”, khan hiếm vật liệu,… khiến dự án bị chậm tiến độ, được Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận cho lùi tiến độ đến ngày 30/4/2023. “Thời điểm hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu kế hoạch thông xe kỹ thuật đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Đông Xuân (dài 53,9km). Ban quản lý dự án Thăng Long đặt mục tiêu phấn đấu khai thác tuyến chính vào dịp 30/4, các phương tiện xuống nút giao Đông Xuân và kết nối vào thành phố Thanh Hóa qua quốc lộ 47”, ông Long cho biết.

Hơn 10km còn lại sau nút giao Đông Xuân (Thanh Hóa) chưa hoàn thành, nhà thầu đang tập trung thi công móng mặt đường, phấn đấu hoàn thành cuối tháng 6 tới. Trên thực tế, đoạn này chưa xong cũng chưa có nhiều ảnh hưởng do dự án nối tiếp quốc lộ 45-Nghi Sơn vẫn còn đang triển khai (theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới).

Chuẩn bị thông xe, đưa vào khai thác 3 dự án đường cao tốc bắc-nam ảnh 1

Nút giao cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây với quốc lộ 1 đã cơ bản hoàn thành,
đưa vào khai thác dịp lễ 30/4.

Hoàn thiện các phần việc cuối cùng

Sau bữa cơm tối khá muộn tại trụ sở ban điều hành, điện thoại của ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc bắc-nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Ban Quản lý dự án 7) đổ chuông liên tục. Chưa kịp uống chén nước, ông Huy tất tả chạy vào phòng làm việc ký xác nhận nghiệm thu cho đơn vị thi công, tư vấn đã chờ sẵn.

Sau nửa giờ tập trung cao độ giải quyết đống hồ sơ trên bàn, ông lại vội vã lên chiếc xe bán tải lao ra công trường, nơi nhà thầu giăng điện xuyên đêm để thảm bê-tông nhựa những đoạn đường cuối cùng. Vài tháng gần đây, những cảnh như vậy diễn ra thường xuyên, nhiều hôm tới hơn 23 giờ, lãnh đạo ban điều hành vẫn ngồi ký hồ sơ cho nhà thầu, bởi ký kịp hôm trước, sáng sớm hôm sau hồ sơ sẽ chuyển đến phòng chức năng của Ban Quản lý dự án, chiều ra tới kho bạc, ngày kế tiếp sẽ có tiền về công trường. Còn để hôm sau, dòng tiền bị chậm một nhịp, ảnh hưởng khả năng xoay vòng tài chính, huy động vật liệu, làm giảm nhịp độ thi công.

Dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km cũng đang ở những bước chạy “nước rút” cuối cùng để về đích. Giám đốc Ban điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Đặng Hùng Thái cho hay, hiện tại, tổng sản lượng thi công dự án đạt khoảng 95% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ khai thác tuyến chính và một số nút giao vào dịp 30/4 tới.

Các nhà thầu đang triển khai những hạng mục còn lại của hệ thống an toàn giao thông tuyến chính, lắp đặt tôn hộ lan, hàng rào, sơn kẻ tín hiệu, biển báo,... để bàn giao cho chủ đầu tư. Lý giải nguyên nhân không thể hoàn thành toàn bộ hạng mục các nút giao, cầu vượt ngang, đường gom, ông Đặng Hùng Thái cho biết, do nguồn vật liệu đất đắp chỉ mới được khơi thông từ ngày 29/3, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép nghiệm thu, bàn giao đưa tuyến chính (Km0-Km99), nút giao quốc lộ 1 (Km62+997), nút giao đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (Km99) vào khai thác.

Kỹ sư Hoàng Văn Hồng, Trưởng mũi thi công Ban điều hành gói thầu 2-XL dự án Phan Thiết-Dầu Giây (nhà thầu Cienco4) cho biết, từ khi đặt chân vào công trường (tháng 3/2021) đến nay, anh không có khái niệm về ngày chủ nhật.

Nhiều thời điểm “đường găng”, để hạn chế thời gian “chết” của máy móc, anh em công nhân được bố trí làm thông đêm, đến bữa ăn cơm ngay giữa đường, nghỉ ngơi chừng 15 phút là lên máy “chiến đấu” đến 1-2 giờ sáng. “Hồi tháng 5/2022, vợ tôi sinh con thứ 2, tôi đã căn thời gian để đặt vé về nhà, nhưng ngặt lúc đó công trường đang giai đoạn cao điểm, đành lỗi hẹn với vợ. Cả hai đứa con khi sinh bố đều không ở nhà, cả năm về được 1 tuần, con chưa quen hơi đã phải xách ba-lô đi rồi”, anh Hồng kể. Ở mũi thi công này, có trường hợp anh công nhân lái máy đào, nhà con trai một mà hôm đó cả bố đẻ và bố vợ bị bệnh nặng đi viện, nhưng công trường không ai biết lái máy, đành động viên để người nhà đưa vào viện trước, mấy ngày sau vãn việc mới bố trí tranh thủ về.

Giám đốc điều hành gói thầu 3-XL dự án Phan Thiết-Dầu Giây Trần Hoàng Anh (nhà thầu Trung Chính) cho biết, đội của anh đảm trách thi công cầu vượt 48, 49 nhưng do phạm vi rừng, không bố trí được bãi đúc, phải chở dầm ở bãi đúc cách đầu tuyến gần 40km. Cao điểm gác dầm đúng mùa mưa, nền đường trong quá trình đắp, xe chở dầm lại là phương tiện siêu trường, siêu trọng, phải canh từng đoạn, vận chuyển một thanh dầm Super-T 80 tấn có khi mất đến 2 ngày. Ở gói XL4 đường công vụ kết hợp với đường tuyến hoặc đường gom nhưng đường gom nhỏ, không thể đi xe dầm, bắt buộc phải đi tuyến chính. Xe chở dầm phải có máy xúc đi theo, gặp chỗ nào sình lầy còn kịp thời hỗ trợ. Trong khoảng 1 năm (từ tháng 10/2021 đến 10/2022), đội đã thi công gác 140 phiến dầm Super-T, 22 phiến dầm I24 và 25 phiến I33.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công trường cách xa khu dân cư, anh em công nhân tự trồng rau, bắt tôm cá, tự cắt tóc cho nhau. Đến khi hoàn thành gác dầm hai cầu vượt 48, 49, anh em mừng rơi nước mắt. Nhìn hình hài tuyến đường và cầu vượt khang trang, hoành tráng bây giờ, không ai nghĩ cách đây 2 năm, cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu người, đi cách nhau vài mét là không nhìn thấy nhau.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu 2 Ban Quản lý dự án 7 và Thăng Long cùng các đơn vị trực thuộc tập trung thi công, hoàn thiện các thủ tục, phần việc để đưa 2 dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây vào khai thác đúng dịp 30/4 tới. Hai ban quản lý dự án cần rà soát khối lượng hạng mục còn lại, xây dựng chi tiết kế hoạch theo từng ngày, thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành các hạng mục; tăng nhân sự để giải quyết nhanh hồ sơ nghiệm thu thanh toán, bảo đảm dòng tiền triển khai các gói thầu; trong đó, yêu cầu lắp đặt khe co giãn các cầu trên tuyến chính, hệ thống biển báo trước ngày 25/4; sơn kẻ đường, dải phân cách, chống chói, rào tôn sóng, rãnh thoát nước và tổ chức vệ sinh, dọn dẹp công trường trước ngày 28/4.

Mặc dù đưa vào khai thác trong điều kiện chưa hoàn thiện toàn bộ, nhưng các chuyên gia giao thông đánh giá, có được thành quả này là mồ hôi, nước mắt của cả ngành giao thông bởi 3 dự án hội đủ các yếu tố bất thuận kéo dài, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhìn rộng ra tại các dự án thành phần cao tốc bắc-nam (giai đoạn I), dù nhiều trở ngại, thách thức, song vẫn cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác trong vòng 30 tháng.

Từ trước đến nay, chưa có dự án đường cao tốc nào thi công với tốc độ thần tốc như vậy (đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mất 8 năm; Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Lào Cai và Đà Nẵng-Quảng Ngãi, mỗi dự án thi công hơn 4 năm). Có thể nói, dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) khi hoàn thành, được coi là kỳ tích của ngành giao thông.