Vụ đông xuân năm 2024-2025, 11 địa phương khu vực Trung du và Ðồng bằng Bắc Bộ có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng-Thái Bình để gieo cấy cho 489.148 ha lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 9193/TB-BNN-TL về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025 khu vực này.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định tiêu chí lấy nước nhằm bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất; tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện; lợi dụng triều cường để lấy nước vào nội đồng; duy trì mực nước tại các trạm khống chế là: Trạm thủy văn Hà Nội, trạm thủy văn Sơn Tây hợp lý, phù hợp khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi cho địa phương phía thượng nguồn do khó khăn trong việc trữ nước.
Phương án lấy nước cho sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 được chia làm hai đợt với thời gian là 12 ngày. Ðợt 1 từ ngày 12/1 đến 16/1/2025, các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm duy trì mực nước tại Hà Nội trung bình khoảng 1,70m. Dự kiến sau đợt này, diện tích có nước đạt trung bình từ 30 đến 40%, riêng một số địa phương ven biển đạt từ 40 đến 50%.
Ðợt 2, từ ngày 8/2 đến 14/2, các hồ chứa thủy điện vận hành hết công suất phát điện, dâng mực nước hạ du tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi lấy nước thuận lợi.
Dự kiến trong đợt này, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,7 đến 1,9m. Sau khi kết thúc đợt 2, các địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước. Bên cạnh đó, lịch lấy nước vụ đông xuân này sẽ tiếp tục không bố trí thực hiện đợt lấy nước vào kỳ triều cường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 do thực tế hiệu quả lấy nước không cao và không phù hợp các địa phương có tập quán gieo cấy muộn.
Ðánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: "Tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp làm xu thế mực nước hạ du sông tiếp tục bị hạ thấp, nhất là tác động khó lường do lũ lịch sử sau bão số 3 vừa qua. Vì vậy, dự báo khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi trong đợt 2 dù các nhà máy thủy điện sẽ vận hành hết công suất phát điện nhưng khả năng mực nước vẫn ở mức thấp hơn so với trước đây ảnh hưởng đến việc lấy nước của một số công trình thủy lợi.
Mặt khác, các công trình chưa được nâng cấp, thay thế như các trạm bơm: Trung Hà, Bạch Hạc (cũ), Ðại Ðịnh (cũ), Phù Sa, Ấp Bắc và các cống Cẩm Ðình, Liên Mạc, Long Tửu tiếp tục không đủ điều kiện vận hành như các năm gần đây. Các trạm bơm mới được nâng cấp như: Bạch Hạc, Ðại Ðịnh, Liễu Trì (Vĩnh Phúc) đủ điều kiện vận hành trong cả hai đợt nhưng công suất nâng cấp mới chỉ đạt 50% so với yêu cầu.
Cùng với đó, do không thực hiện lấy nước trong kỳ triều cường dịp Tết Nguyên đán, khoảng thời gian giữa hai đợt lấy nước là khá dài (22 ngày) gây khó khăn cho việc giữ nước. Các địa phương cần triển khai các giải pháp cần thiết để trữ nước trong hệ thống kênh mương và trên ruộng, giảm thất thoát".
Vụ lúa đông xuân 2024-2025, tỉnh Hải Dương có kế hoạch gieo cấy 53.000 ha, phấn đấu năng suất 65 tạ/ha, sản lượng thóc 344.500 tấn. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Ðỗ Tiến Bậc cho biết: "Ðể bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị thủy lợi chủ động thực hiện lấy, trữ nước, đưa nước đổ ải phù hợp kế hoạch gieo cấy, cơ cấu thời vụ gieo trồng; tận dụng thời gian mực nước trên hệ thống sông trục dâng cao để đưa nước đổ ải đạt hiệu quả cao nhất; sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch dự trữ nước để phục vụ tưới dưỡng cho lúa, hoa màu. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị lấy nước trực tiếp từ hệ thống sông ngoài thường xuyên quan trắc độ mặn, tình trạng xâm nhập mặn ở các cửa để chủ động lấy nước vào hệ thống, bảo đảm chất lượng".
Tại tỉnh Hưng Yên, theo kế hoạch sẽ có 23.650 ha lúa trong vụ đông xuân lấy nước từ hệ thống sông Hồng-Thái Bình. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Kình, "Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã sửa chữa máy bơm, thiết bị… bảo đảm tất cả các trạm bơm sẵn sàng vận hành lấy nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân; trục vớt hơn 13 triệu m2 rau, bèo trên 800 tuyến kênh mương với tổng chiều dài khoảng 1.000 km.
Ngoài ra, Sở đề nghị các địa phương và đơn vị thủy lợi, nông dân thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ, tránh lãng phí; điều hành lấy nước hợp lý, khoa học và hiệu quả, tiết kiệm nước; tranh thủ thời điểm mực nước cho phép, vận hành các trạm bơm hoạt động lấy nước sớm vào hệ thống bảo đảm đủ nước đổ ải, làm đất, gieo cấy. Ðối với những khu vực nguồn nước khó khăn cần lắp đặt các máy bơm dã chiến để lấy nước; chuẩn bị dự phòng các loại vật tư, thiết bị sẵn sàng tu sửa, thay thế khắc phục khi có sự cố xảy ra. Khi mực nước nguồn xuống thấp, vận hành các trạm bơm cột nước thấp lấy nước cấp nguồn vào các kênh trục để các trạm bơm trong nội đồng lấy nước đưa lên ruộng".
Ðể bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vụ đông xuân 2024-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông với mực nước dự kiến trong các đợt lấy nước; lưu ý tình trạng mực nước sông có thể hạ thấp hơn do lòng dẫn sông biến động bởi ảnh hưởng của lũ sau bão số 3; các công trình có nguy cơ lấy nước không hiệu quả cần có giải pháp bảo đảm bổ sung thay thế nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp; xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp lịch lấy nước bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy; giữ nước trên ruộng trong thời gian dài giữa đợt, bảo đảm hạn chế việc thất thoát, lãng phí nước...