Chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đúng tiến độ, chất lượng

NDO -

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, trọng tâm kỳ họp này là công tác lập pháp, xây dựng thể chế, phải coi trọng, nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương công tác này; xây dựng các phương án vừa thích nghi điều kiện phòng, chống dịch, vừa cải tiến nội dung, chất lượng kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ

Bên cạnh tập trung phân tích bối cảnh tiến hành Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về nội dung, cách thức tổ chức tiến hành; đánh giá kết quả của kỳ họp; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra những kết quả nổi bật tại kỳ họp và những bài học rút kinh nghiệm trong tổ chức, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần được khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và một số đại biểu cho rằng, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua dù chỉ có 9 ngày làm việc nhưng đã giải quyết được khối lượng công việc đồ sộ cho thấy nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Quốc hội làm việc cả thứ bảy và chủ nhật là điều chưa từng có tiền lệ.

Khác với thông lệ các kỳ họp đầu tiên của các khóa chủ yếu dành cho công tác nhân sự, kỳ họp này Quốc hội giải quyết nhiều nội dung và đều đạt chất lượng tốt. Quốc hội ban hành 29 nghị quyết trong đó có Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nội dung trao quyền cho Chính phủ cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Công tác nhân sự đạt được sự đồng thuận cao.

Bài học thành công là sự bố trí chương trình khoa học, hợp lý; có được sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội, sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nhân sự.

Chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có được sự thành công vừa qua là nhờ “sự chủ động từ sớm, từ xa của các cơ quan của Quốc hội”, các cơ quan thẩm tra đã chủ động vào cuộc ngay từ sớm đối với các dự án, tờ trình, báo cáo.

Chia sẻ ý kiến của các đại biểu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, thành công của Kỳ họp thứ nhất thể hiện vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội với vai trò của người đứng đầu đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan trong tổ chức thực hiện, đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả, hoạt động của Quốc hội.

Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù trong bối cánh nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng Kỳ họp thứ nhất đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới.

Ngay từ kỳ họp đầu tiên Quốc hội có nhiều đại biểu mới, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội mới nhận nhiệm vụ nhưng đã quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó khung pháp lý cho cả nhiệm kỳ 5 năm là kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; kế hoạch tài chính công, vay và trả nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn; cùng với đó là 2 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điều này tạo được khung pháp lý quan trọng và rất sớm để cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong tình hình cấp bách, Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp để kịp thời ban hành được Nghị quyết 30 có nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chuẩn bị kỳ họp tới bảo đảm an toàn, tiến độ

Nhiều đại biểu đề xuất cần thể hiện theo 3 phương án tổ chức kỳ họp gắn với dự báo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, theo đó họp trực tiếp toàn phần, họp trực tuyến toàn phần và họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Đề cập nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, trọng tâm của kỳ họp này là công tác lập pháp, xây dựng thể chế, phải coi trọng, nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương công tác này, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phương án tổ chức kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần xây dựng các phương án vừa thích nghi điều kiện phòng, chống dịch, vừa cải tiến nội dung, chất lượng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Văn phòng Quốc hội phối hợp các cơ quan thông tin, báo chí, quan tâm xây dựng đề án tuyên truyền để phối hợp tằng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động của kỳ họp.

Chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn -0
Quang cảnh phiên họp sáng 18/8. (Ảnh: DUY LINH) 

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, theo đó, việc tổ chức Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ lưỡng về cả nội dung, cách thức tiến hành và các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định (ngày 20/10/2021), bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch.

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua một số dự án luật. Dự kiến, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có) và một số nội dung khác liên quan khác.

Cũng trong sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thời gian tới, Ban Dân nguyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Theo số liệu báo cáo, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ông Dương Thanh Bình cho rằng, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn được các cơ quan nhà nước duy trì và bảo đảm thực hiện có hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm thực hiện tốt quy định của pháp luật.

Về các phương án tổ chức kỳ họp Kỳ họp thứ hai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dự kiến 2 phương án tổ chức kỳ họp.

Theo đó, Phương án 1, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và một ngày dự phòng. Khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021.

Phương án 2, Quốc hội họp trực tuyến kết hợp họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt nếu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung. Đợt 1, họp trực tuyến 11 ngày, từ 20/10 đến 2/11/2021. Đợt 2, họp tập trung 6 ngày, từ ngày 4/11 đến 10/11/2021.