Chuẩn bị hành trang thích ứng thị trường lao động toàn cầu hóa

Làm thế nào để con em mình có thể có một việc làm tốt, một cuộc sống tốt khi trưởng thành? Tại sao chúng ta có hàng trăm nghìn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn "khát" nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao? Ðó là những câu hỏi mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đang băn khoăn, trăn trở.

Theo tôi, để giải quyết điều này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh thị trường lao động không còn bó hẹp trong biên giới của từng quốc gia thì điều quan trọng là người lao động của chúng ta cần có những phẩm chất và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài. Người lao động của chúng ta cần có những kỹ năng để ít ra cũng thành công trong việc cạnh tranh với người lao động đến từ các nước ASEAN, Hàn Quốc… hoặc ngay chính trên quê hương mình.

Những phẩm chất và kỹ năng ấy lại không thể hình thành một sớm một chiều mà đó chính là sản phẩm của nền giáo dục. Ðể các học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế thì có rất nhiều điều các em phải được rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo tôi, ít nhất các em cần được chuẩn bị tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, các em cần có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, đó là ngôn ngữ chính dùng để giao dịch ở các công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia. Vì thế, thật khó có một vị trí công việc tốt tại các công ty này nếu các em không sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Thứ hai, các em cần có khả năng tư duy độc lập. Ở các công ty đa quốc gia, những vị trí công việc tốt đòi hỏi người lao động phải có khả năng tư duy độc lập để chủ động, sáng tạo trong công việc. Vì thế, các em cần có khả năng tự nghiên cứu, khả năng nhận xét, nhận định một cách độc lập; khả năng bày tỏ quan điểm, thuyết trình, thuyết phục người khác… Tuy nhiên, với một nền giáo dục hiện còn khá nặng về "ghi nhớ", nặng về "truyền thụ kiến thức" cho nên khả năng tự tìm hiểu, nhận xét vấn đề, giải quyết vấn đề một cách chủ động của người lao động hiện còn yếu. Vì thế, để giúp học sinh của chúng ta có các phẩm chất và kỹ năng này, cần đổi mới toàn diện về nội dung, cách dạy, cách học ở nhà trường cũng như cần dân chủ hơn trong việc giáo dục trẻ ở mỗi gia đình.

Thứ ba, các em cần rèn luyện để có những phẩm chất, thói quen tốt của một lối sống văn minh như: tuân thủ kỷ luật, có trách nhiệm với tập thể, biết chăm sóc bản thân, biết chăm lo cho công việc chung, biết nhường nhịn, biết tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân mình. Những phẩm chất ấy cần được hình thành, phát triển qua việc làm gương của thầy giáo, cô giáo, cha mẹ; qua việc giải thích, hướng dẫn, rèn giũa, khích lệ hành vi của các em trong từng tiết học, từng hoạt động ở trường cũng như trong sinh hoạt ở gia đình.

Thứ tư, các em cần có sức khỏe tốt. Ở các công ty đa quốc gia, các công ty nước ngoài, cường độ lao động thường là rất cao, đòi hỏi sự tập trung liên tục. Vì thế, để đáp ứng được yêu cầu của công việc, người lao động cần có sức khỏe về thể chất và tinh thần. Ðể có nền tảng sức khỏe tốt, trong suốt quá trình phát triển, học sinh không chỉ cần được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng mà còn rất cần có thời gian nghỉ ngơi, luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi. Ðây chính là điều mà nhiều bậc cha mẹ học sinh còn chưa quan tâm đúng mức. Nhiều gia đình, vì mải lo cho kết quả học tập của con cho nên ép trẻ đi học (học chính khóa, học thêm) quá nhiều, không bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thể dục, thể thao… đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất, tinh thần của các em.

Như vậy, để học sinh của chúng ta chuẩn bị tốt cho một cuộc cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu hóa thì học sinh của chúng ta cần được giáo dục nhằm có được các phẩm chất, kỹ năng mà thị trường lao động quốc tế yêu cầu. Ðể đạt được mục tiêu đào tạo ấy, chúng ta cũng cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học phù hợp mục tiêu. Ðây là một vấn đề lớn, cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và quan trọng nhất là của ngành giáo dục.

ThS Trương Văn Diện
(Trường THCS PASCAL, Ðông Anh, Hà Nội)