Lạng Sơn, miền đất biên cương đông bắc Tổ quốc cách thủ đô Hà Nội 154 km. Xứ Lạng còn là một vùng văn hóa đặc sắc với những danh lam thắng cảnh như: động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, Nàng Tô Thị, giếng Tiêng... Nổi bật là động Tam Thanh (hay còn gọi là chùa Tam Thanh).
Động Tam Thanh phát hiện từ thời Lê, sách Đại Nam nhất thống chí, ghi rằng: "Chùa nằm trong động núi đá, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng (nay là phường, TP Lạng Sơn). Qua bên kia cầu Kỳ Cùng khoảng hơn 100m, rẽ vào đường ngã sáu trước mặt du khách hiện rõ khu quần thể động Tam Thanh trầm mặc, uy nghi. Trải qua sự thăng trầm của thời gian, lịch sử, đến nay, động vẫn giữ được nhiều dáng vẻ đẹp tự nhiên vốn có ban đầu, hấp dẫn du khách gần xa.
Trong động có Hồ Cảnh (Hồ Ấm Ti), nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn. Chiều dài lòng động dài 50m, chạy từ cửa trước đến cửa sau, với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa làm nên những hình thù kỳ dị. Ở gần cửa sau có cửa Thông Thiên, thông lên tới đỉnh núi, nơi đây hương khói quấn quýt. Trong động Tam Thanh có nhiều hang động, như động Long Châu, động Thủy Tiên. Vách đá trong động có nhiều hình thù như: sư tử, Tôn Ngộ Không đằng vân, con rết ngàn chân, con voi phục, cánh chuồn, hình kim tự tháp...
Ngoài sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa - nghệ thuật hàm chứa trong di tích. Đó là hệ thống văn bia khá phong phú, có giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật của các văn nhân thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại di tích. Tấm bia có niên đại cổ nhất là bia Ma Nhai, được tạo vào thời Lê - Vĩnh Trị năm thứ hai (1677), bia ghi lại việc xây dựng tôn tạo chùa. Và bia khắc thơ Ngô Thì Sĩ quan đốc trấn Lạng Sơn, được tạc vào năm Kỷ Hợi (1777), ghi bài thơ ngợi ca cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của động Tam Thanh.
Động Tam Thanh ngoài ý nghĩa về mặt danh thắng, còn là di tích tôn giáo (thờ phật). Trong chùa hiện còn lưu trữ được hệ thống tượng Phật khá phong phú. Giá trị nhất về mặt niên đại và mỹ thuật là bức phù điêu Phật A Di Đà, được tạc trên vách đá phía trên cung Tam Bảo, tượng tạc theo thế đứng, mang phong cách mỹ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ 16 - 17). Lễ hội Chùa Tam Thanh hằng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng, với nhiều trò chơi theo nghi lễ truyền thống của các dân tộc Xứ Lạng như: tế lễ, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc...
Mỗi năm, chùa Tam Thanh và Nhị Thanh thu hút hàng trăm nghìn du khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Đứng ở cửa động Tam Thanh, nhìn chếch phía tay trái là tượng đá Nàng Tô Thị, bồng con giữa trời trên đỉnh núi chon von chờ chồng, như một biểu tượng của lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Du khách cũng có thể đi xuyên sang động Nhị Thanh, Thành Nhà Mạc rêu phong đã bốn trăm năm, nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nằm ngay trong TP Lạng Sơn, bên dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng.