Chùa Khmer đầu tiên tại Hà Nội: Câu hỏi tiếp theo cho sự phát huy?

NDO -

NDĐT - Ngày 23-11, ngôi chùa Khmer đầu tiên sẽ chính thức khánh thành tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam. Đây là kết quả của bao nhiêu công phu do các nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề thực hiện. Việc bảo vệ, phát huy như thế nào lại được đặt ra, như câu hỏi với nhiều công trình đã hoàn thành khác.

Chùa Khmer đầu tiên tại Hà Nội: Câu hỏi tiếp theo cho sự phát huy?

Biểu tượng văn hóa

Đại diện cho Phật giáo Nam tông, đại diện cho cả đời sống văn hóa của đồng bào Khmer, ngôi chùa Khmer vừa được hoàn thành xây dựng tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam – Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Việc hoàn thành và khánh thành ngôi chùa là một hoạt động trọng điểm trong Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra những ngày qua.

Vốn được coi là biểu tượng của dân tộc Khmer, văn hóa Khmer, chùa trong đời sống đồng bào Khmer không chỉ là chốn tu hành của các nhà sư, mà còn là trường học mà các vị sư chính là thầy giáo. Chùa cũng là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Qua quá trình các chuyên gia nghiên cứu, chọn lựa từ nhiều ngôi chùa lâu đời, tiêu biểu của đồng bào Khmer như chùa K’leng, chùa Dơi và nhiều chùa khác ở miền Tây Nam Bộ, ngôi chùa đã được khởi công tại làng VHDL vào ngày 16-1-2010. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của cả nước, lần đầu tiên xây dựng tại Hà Nội.

Chùa Khmer đầu tiên tại Hà Nội: Câu hỏi tiếp theo cho sự phát huy? ảnh 1

Khách tham quan ngôi chùa.

Gắn bó với ngôi chùa từ ngày khởi công cho đến khi hoàn thành những mảng màu cuối cùng, nghệ nhân Lý Lết ở TP-tỉnh Sóc Trăng là người chỉ huy đội nghệ nhân, thợ thủ công từ Sóc Trăng ra. Tô vẽ, trang trí chùa chiền là nghề gia truyền, ông được theo cha đi làm từ nhỏ. Ông cho biết, hình ảnh, hoa văn, đường nét, màu sắc, chất liệu… được các nghệ nhân, thợ thủ công thực hiện đúng theo mẫu truyền thống tại ngôi chùa K’leng nổi tiếng. Đến nỗi thầy Tăng Nô trụ trì chùa từ Sóc Trăng ra thăm cũng phải ngạc nhiên.

Quần thể ngôi chùa mới, có đầy đủ các hạng mục: Cổng tam quan, chính điện, tháp góc, ao sen, vườn tháp và nhà thiêu, am thờ, sa la, sa la then, nhà để ghe ngo, nhà thuyền. Trong những ngày qua, công chúng từ các địa phương lân cận và một số tăng ni, phật tử đến làng VHDL tham dự các hoạt động mừng Ngày di sản, đã đến tham quan, chiêm ngưỡng những nét đặc trưng của kiến trúc, mỹ thuật chùa Khmer và chụp ảnh lưu niệm bên ngôi chùa.

Cần được tỏa sáng

Nghệ nhân Lý Lết nói: “Chúng tôi cố gắng làm cho công trình thật đẹp, vì nghĩ rằng, đây không chỉ là một ngôi chùa thông thường, mà còn là một không gian giao lưu văn hóa. Tôi tự hào khi được đóng góp vào công trình này”.

Công trình mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa và đoàn kết dân tộc đã được hoàn thành, việc giữ gìn, phát huy giá trị là điều cần được thực hiện ngay. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu oi bức, độ ẩm cao ở phía bắc, đặc biệt là với thời tiết khu vực Đồng Mô, Sơn Tây, việc bảo đảm cho độ tươi sáng của màu sắc những bức tranh tường vẽ về cuộc đời tu hành của đức Phật, hay những lớp sơn, kim nhũ dát trên mái, tường, các cột…, cũng như chống rêu, mốc cho ngôi chùa… luôn đòi hỏi phải được chú trọng. Theo nghệ nhân Lý Lết, chùa phải có người chăm nom, hương khói thì mới ấm cúng, và phải theo dõi có hỏng chỗ nào thì sửa chữa ngay.

Chùa Khmer đầu tiên tại Hà Nội: Câu hỏi tiếp theo cho sự phát huy? ảnh 2

Sư thầy Lâm Hiệp trụ trì chùa Tum Núp ở xã An Ninh, huyện Chân Tịnh, tỉnh Sóc Trăng ra tham quan, cho rằng, ngôi chùa nào cũng có thể bị biến đổi về màu sắc, độ bền đẹp của các bộ phận, chi tiết. Cần phải có đội ngũ có tay nghề bảo quản, chăm sóc để công trình kéo dài tuổi thọ. Làm được việc này đòi hỏi rất công phu.

Sư thầy cũng gợi ý, nên mời một số nhà sư có trình độ, biết nói tiếng Anh trông nom ngôi chùa, để khi có du khách nước ngoài, có thể giới thiệu cho họ về ý nghĩa tâm linh, văn hóa của công trình này. Nhà tu hành trực tiếp giới thiệu, giao lưu cùng du khách, như vậy sẽ thuyết phục hơn.

Còn nghệ nhân Trần Minh Chung là nhạc công đàn cò, cộng tác với Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, tham gia đoàn nghệ thuật ra biểu diễn trong ngày hội tại làng VHDL, cho biết: “Thông thường các ngôi chùa Khmer là nơi tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn nghệ vào các dịp lễ trọng. Ở đây khó tổ chức được liên tục, nhưng cũng nên đầu tư để thỉnh thoảng lại có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer nhằm giới thiệu bản sắc và thu hút khách tham quan.

Không chỉ với quần thể chùa Khmer, mà việc bảo vệ, khai thác, phát huy các công trình văn hóa tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam vẫn thường được dư luận, công chúng đặt ra mỗi khi một công trình, quần thể được hoàn thành tại đây. Nhất là khi thời gian xây dựng các hạng mục, công trình của làng đã diễn ra với thời gian rất dài. Làng VHDL rất cần nghiên cứu để triển khai ngay cơ chế vừa xây dựng, vừa khai thác phục vụ xã hội, để sớm có được nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch trong không gian làng vốn đã vắng vẻ này.