Chính sách và Cuộc sống

Chú trọng xây dựng nhà ở cho công nhân

Khi Việt Nam “rơi” vào đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19, hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài có nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam –Singapore II (Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. Ảnh: TTXVN
Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài có nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam –Singapore II (Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. Ảnh: TTXVN

Hàng triệu công nhân từ bắc chí nam phải thực hiện cách ly, phong tỏa nhiều tháng, trong khi thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao. Cho đến khi thực hiện nới lỏng, hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ doanh nghiệp (doanh nghiệp), các khu phòng trọ sau nhiều tháng trời kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần để trở về quê hương.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này các doanh nghiệp cũng phải dừng hoạt động, chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”. Điều dễ nhận thấy nhất đó là, việc doanh nghiệp không có khả năng cung ứng chỗ ở cho công nhân, lao động. Do thiếu chỗ ở cho công nhân, lao động thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp phải thuê chỗ ở cho người lao động tại các khách sạn, mượn các dự án nhà ở xã hội tại địa phương để thực hiện “1 cung đường 2 địa điểm”. Tuy nhiên, với cách làm này cũng chỉ có thể giúp doanh nghiệp hoạt động được từ 30-50% công suất, khiến hàng triệu công nhân, lao động phải ngừng việc, giãn việc, mất việc. Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, trước khi dịch bệnh, nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) được coi là vấn đề bức thiết, tuy nhiên, chỉ khi dịch bệnh xảy ra, sự bức xúc này lại thêm một lần nữa lộ rõ, trở thành vấn đề nóng bỏng.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha. Trong đó, đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha, hiện đang tiếp tục triển khai 98 dự án. Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay cả nước mới có gần 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330 nghìn người lao động. Con số này quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân hiện nay.

Mặc dù những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Đó là việc Chính phủ ban hành các Nghị định số 99 và 100 năm 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhưng có lẽ sức hút của những chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xác định: Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Để hiện thực hóa chủ trương này, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, cần bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, chứ không thể chỉ kêu gọi hay “khoán trắng” việc này cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Chính phủ, Quốc hội tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở công nhân KCN. Bao gồm quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân KCN; sửa đổi pháp luật thuế để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi, bảo đảm đồng bộ với pháp luật về nhà ở; bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê, để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại; sửa đổi đồng bộ quy định dành quỹ đất cho phát triển nhà công nhân KCN trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở... theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong KCN, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân, lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương ■