Qua nghe và trao đổi cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao thời gian qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13.
Chia sẻ với một số ý kiến nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng đề án chi tiết về việc đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện, rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu bên trong bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất và thống nhất với Văn phòng Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết 1050.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nghiên cứu khoa học lập pháp có hai lĩnh vực: nghiên cứu căn bản về khoa học lập pháp, bao gồm cả quy trình lập pháp, kinh nghiệm lập pháp thế giới, nghị viện với công tác lập pháp; nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào các định hướng lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội và bám sát, nghiên cứu ngay những dự án luật trình Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau để giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội.
Chung quanh những nội dung được các đại biểu quan tâm về lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Viện Nghiên cứu lập pháp cần bám sát hai nhóm nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cụ thể, vấn đề nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, trong đó có những chủ trương đã có từ các kỳ đại hội trước nhưng tiếp tục được thực hiện với tư duy mới, tầm nhìn mới.
Chủ tịch Quốc hội nêu thí dụ cụ thể, về các đột phá chiến lược, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn rất mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, yếu tố con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước… Hay, chủ trương của Đảng về những vấn đề rất cụ thể như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), fintech, các mô hình kinh tế chia sẻ…
Hiện nay, chưa có một luật nào cho các mô hình kinh tế chia sẻ qua cơ chế sandbox sau đó tổng kết để luật hóa. Viện Nghiên cứu lập pháp cần tập trung nghiên cứu để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thể chế hóa những chủ trương rất mới này.
Nội dung trọng tâm nữa là chú trọng rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có trên tinh thần bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật cả về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, về quyền công dân, quyền con người... theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu cơ bản cũng đều tập trung khắc phục những bất cập, khuyết điểm trong hệ thống pháp luật đã được các văn kiện của Đại hội XIII và Nghị quyết về tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã đề cập, đó là còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính ổn định, tính khả thi chưa cao, “tuổi thọ” ngắn…
Kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 48 - NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đánh giá hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của một hệ thống pháp luật phục vụ kiến tạo phát triển và hội nhập.
Vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi cao.
Với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp cần tập trung nghiên cứu để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khắc phục cho được cả hai khuynh hướng trong hoạt động lập pháp hiện nay, đó là “luật khung”, “luật ống” dù thực tiễn đã rõ nhưng không quy định chi tiết mà “để dành” để quy định trong các văn bản hướng dẫn, làm giảm tính minh bạch của luật.
Vấn đề thứ hai là, luật quy định quá chi tiết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, chưa đủ “độ chín” đã “chốt chặt” trong luật đến khi thực tiễn thay đổi thì luật không theo kịp khiến “tuổi thọ” của luật ngắn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, chức năng của Viện Nghiên cứu lập pháp là cung cấp thông tin về khoa học lập pháp, không phải tất cả thông tin liên quan hoạt động của Quốc hội. Viện cần nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, để hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả thực chất, đáp ứng ngay yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban…
Cùng với đó, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác với các cơ quan ngoài Quốc hội; phải có những đề tài nghiên cứu thiết thực, thực chất và xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Quốc hội Việt Nam và trên tinh thần học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức hoạt động của Quốc hội; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường hợp tác với các cơ quan ngoài Quốc hội…
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Viện; thống nhất với Văn phòng Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1050 trên tinh thần Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội.
Trong đó, giữ ổn định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức hiện nay nhưng cần sắp xếp, kiện toàn để bảo đảm tính hiệu quả, giảm tối đa việc thành lập các phòng; sản phẩm cung cấp thông tin phải số hóa, tạo thuận tiện nhất cho người dùng, cung cấp thông tin phải gia tăng giá trị của thông tin.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Viện kiến nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hợp tác với Viện để Viện có điều kiện tham gia sớm và theo sát tất cả các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó nâng cao tính chủ động và nâng cao chất lượng hoạt động của Viện.
Viện kiến nghị lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tư vấn, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong khối cơ quan Quốc hội và quản lý hoạt động của Viện...
Để khắc phục khó khăn, hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, lãnh đạo Viện đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan thường xuyên chủ động giao nhiệm vụ hoặc theo đề xuất của Viện, giao nhiệm vụ cho Viện trong nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, cung cấp thông tin.