Quan tâm lợi ích người dân trong kinh doanh bảo hiểm
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, từ thực tiễn dịch bệnh phức tạp chưa từng có trong thời gian qua, các đại biểu tập trung thảo luận về bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và bổ sung quy định vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án… Về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian dịch bệnh, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau trong thời gian dài. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn quá trình điều tra, xét xử vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc không giải quyết được nguồn tin tố giác tội phạm dẫn đến không xác định được có hay không có dấu hiệu phạm tội, để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án khi thời hạn giải quyết về nguồn tin đã hết. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền không thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định. Do đó, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh là cần thiết.
Về bổ sung trách nhiệm cho công an xã, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và một số đại biểu khác đánh giá: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng công an xã ngày càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Thực tiễn triển khai hoạt động công an xã chính quy tham gia vào công tác điều tra hình sự đã góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn, bảo đảm tình hình an toàn trật tự cơ sở. Vì vậy, việc bổ sung trách nhiệm, tăng thêm lực lượng ở cơ sở sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội cho trước mắt lẫn lâu dài, giảm áp lực cho công an huyện.
Trong buổi sáng, thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, với dân số 100 triệu dân, dư địa của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn: nhân thọ, phi nhân thọ. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khơi thông, tạo các chính sách thuận lợi, khuyến khích thị trường bảo hiểm nước ta phát triển liên quan đến đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các biện pháp tài chính khác. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết: Thị trường tài chính bảo hiểm ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Trong việc mua bán bảo hiểm, vai trò của bên bán và bên mua đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, phần lớn dự thảo mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan quyền lợi bên bán bảo hiểm, trong khi chưa lý giải, thuyết trình thỏa đáng lợi ích của người mua. Đề nghị phải làm nổi bật lợi ích của người mua thì mới thu hút nhiều người tham gia.
Đề cập vai trò quan trọng của bảo hiểm trong cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Góp ý về dự thảo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm. Nhất là trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp do nước ta thường xuyên bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Mỗi khi gặp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, người dân vẫn còn trông chờ hỗ trợ từ phía Nhà nước và hoạt động thiện nguyện, trong khi các sản phẩm bảo hiểm hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm vì điều này giúp nông dân an tâm trong lao động, sản xuất.
Chú trọng hiệu quả công tác thống kê
Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đa số ý kiến đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung luật cần căn cứ từ yêu cầu của thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh khách quan, chính xác, sát với tình hình mới, bối cảnh mới của đất nước; khắc phục bất cập, hạn chế, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Từ quan điểm đó, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định), Nguyễn Như So (Bắc Ninh) và nhiều ý kiến đề nghị bổ sung những chỉ tiêu thống kê mang tính bao quát ở tầm vĩ mô để phản ánh thực trạng tình hình đất nước, làm cơ sở đánh giá chính xác việc thực hiện đường lối, chính sách, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Thí dụ, nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, sử dụng điện sinh hoạt, chất lượng nhà ở, y tế và chăm sóc sức khỏe, chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức... để đánh giá tổng thể mặt bằng thu nhập, phản ánh chất lượng và mức sống dân cư. Biên soạn các chỉ tiêu về tỷ lệ tái chế chất thải, rác thải, các chỉ tiêu liên quan quá trình đô thị hóa... để phản ánh xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp xu thế phát triển đất nước.
Về các chỉ tiêu liên quan kinh tế số, nhiều đại biểu cho rằng, dù số chỉ tiêu khá nhiều nhưng vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp, chưa tạo được công cụ nhằm đánh giá rõ nét về mức độ đóng góp của kinh tế số. Dự thảo luật cũng có tới 130 chỉ tiêu liên quan vùng và liên kết vùng, nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ dừng ở mức phản ánh về lượng mà chưa làm rõ các tiêu chí hình thành nên chỉ tiêu, cho nên rất khó phản ánh mức độ phát triển kinh tế, liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) và một số đại biểu đánh giá, GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng nền kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi, bổ sung nội dung về nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu giữa Trung ương với địa phương, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước, phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.