Một trong những khâu mấu chốt bảo đảm chất lượng kỳ thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30/6 với tổng số hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước.
Để kỳ thi có thể diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, một trong những khâu cần được chú trọng và làm tốt ngay từ đầu là công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đây là kỳ thi mang tính chất quan trọng, tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng với quy mô rộng, khối lượng công việc rất lớn, kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận sự quan tâm của toàn xã hội.
“Kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả 12 năm học tập của học sinh, cũng như chất lượng công tác dạy học, quản lý của nhà trường, là một trong những điều kiện để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề. Do đó, đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng, khách quan, trung thực”.
“Một trong những chủ thể có đóng góp quan trọng, bảo đảm kỳ thi an toàn nghiêm túc, đúng quy chế là lực lượng thanh tra” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Với những kết quả trong triển khai nhiệm vụ của lực lượng thanh tra từ kỳ thi những năm trước, Thứ trưởng mong rằng, năm 2023 công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của kỳ thi năm 2023 tiếp tục đạt hiệu quả.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT làm việc tại một điểm thi của tỉnh Bình Thuận |
Thông tin tại hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khu vực phía bắc, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi. Thành viên đoàn là các thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo cấp quốc gia.
Tại địa phương, Sở giáo dục và Đào tạo tham mưu Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương theo quy định của Quy chế thi.
Với tinh thần tạo ra một kỳ thi nghiêm túc an toàn, nhưng không căng thẳng quá mức, Thứ trưởng cho rằng công tác thanh tra kỳ thi tới đây cần theo tinh thần đúng quy chế, đúng quy định, đúng chức trách, nhiệm vụ; thái độ làm việc nhẹ nhàng, thân thiện, nhưng vẫn nghiêm túc, cương quyết.
Không bỏ sót, khoảng trống, không bị động
Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, bên cạnh lực lượng thanh tra chính quy, sẽ có sự tham gia của các cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học, được huy động để tổ chức các đoàn kiểm tra công tác coi thi, kiểm tra công tác chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học được huy động để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 63 sở Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 sở Giáo dục và Đào tạo và 133 cơ sở giáo dục trong cả nước với tổng số 650 người; tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cho cán bộ công chức của Bộ; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chấm thi cho 300 cán bộ, công chức, viên chức dự kiến bố trí tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đã có 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được thành lập tại 20 địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành các Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương theo tiến độ thời gian công việc.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường |
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
“Việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm nguyên tắc độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, khoảng trống, không bị động” - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rõ, đồng thời, việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi khoa học, phù hợp, không chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.