Chú trọng công tác bảo đảm an ninh kinh tế

Thống nhất nhận thức của các Văn kiện Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định mô hình kinh tế tổng quát ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, bảo đảm an ninh kinh tế cần được xem là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu.

Ảnh minh họa: Thy Phương.
Ảnh minh họa: Thy Phương.

Thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện đặt ra không ít vấn đề cần giải quyết: Hàng loạt những vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng xảy ra trong những năm qua liên quan đến nhiều cán bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, có cả những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lợi dụng sự thiếu hoàn thiện, đồng bộ của kinh tế thị trường, không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo, buôn bán hàng quốc cấm… để trục lợi bất chính, gây tổn thất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.

Phát triển kinh tế trong thời gian qua chưa gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái dẫn đến thực tế: đi kèm với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là sự gia tăng của tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó bảo đảm an ninh kinh tế cần phải được đặt ra một cách rốt ráo. Bởi chỉ khi nào an ninh kinh tế được bảo đảm, giúp giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, giữ vững được mục tiêu phát triển kinh tế là cho con người và vì con người, chúng ta mới có cơ sở để chứng minh tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời phản bác những luận điểm của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc bản chất kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là "ngả theo con đường tư bản chủ nghĩa", sự thành công của đổi mới kinh tế ở Việt Nam là "sự thành công của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa"…, từ đó phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của bảo đảm an ninh kinh tế, công tác bảo đảm an ninh kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, có những chỉ đạo kịp thời. Ngày 5/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau đó, ngày 13/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế". Đặc biệt, trong Đại hội XIII, về phương hướng bảo vệ an ninh quốc gia, so với quan điểm "giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội"(1) của Đại hội XII, Đảng ta bổ sung thêm các vấn đề bảo đảm "an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương"(2), qua đó thể hiện bước phát triển trong nhận thức của Đảng về vai trò quan trọng của các thành tố trong bảo vệ an ninh quốc gia trong đó có an ninh kinh tế.

Nhờ những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, vấn đề bảo đảm an ninh kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả những phức tạp nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững quyền độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế; Phát hiện và đấu tranh có hiệu quả, kịp thời ngăn chặn các âm mưu dùng kinh tế để can thiệp vào chính trị cũng như các hoạt động chống phá quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các loại tội phạm kinh tế; Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều bước tiến vượt bậc, nhiều vụ đại án tham nhũng kinh tế được đưa ra xét xử, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thu về cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng… Những thành tựu đạt được trong bảo đảm an ninh kinh tế đã góp phần to lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô tạo cơ sở cho ổn định chính trị-xã hội; tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vấn đề bảo đảm an ninh kinh tế ở nước ta hiện nay cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót: nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường vẫn còn tiềm ẩn khi nhiều lúc, nhiều nơi, chính sách phát triển kinh tế chưa thật sự gắn với chính sách xã hội, bảo vệ môi trường; kiểm soát dòng vốn nước ngoài, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia chưa thật sự hiệu quả; "công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có những kết quả tích cực, song vấn nạn trên vẫn diễn biến phức tạp; còn xảy ra tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước về kinh tế…"(3); tình hình tội phạm kinh tế (nhất là các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao) vẫn diễn biến phức tạp đe dọa đến vấn đề bảo đảm an ninh kinh tế… Những hạn chế trong bảo đảm an ninh kinh tế đã khiến cho: "chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn…"(4).

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vượt qua những khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới (nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19), góp phần xứng đáng vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị,... của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an ninh kinh tế, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tăng cường đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hành động chống phá kinh tế, dùng kinh tế để can thiệp vào chính trị của các thế lực thù địch, phản động; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận, phá hoại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, trong hội nhập kinh tế quốc tế phải chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế nhất là ở khía cạnh: chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tranh thủ tối đa sức mạnh ngoại lực để phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với giữ vững quyền tự chủ trong phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nước ngoài, có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình trong nước và thế giới, trong bất cứ tình huống nào cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu an ninh, quốc phòng của đất nước.

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW về Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Bộ Chính trị ban hành ngày 6/4/2022; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm kinh tế; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh kinh tế, bảo vệ, tránh làm lộ, lọt các bí mật của Nhà nước về kinh tế; kiểm soát một cách hiệu quả dòng vốn nước ngoài, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia để gia tăng sự ổn định và tăng tính tự chủ của nền kinh tế nước nhà.

Bốn là, đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng: "Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất…"(5) để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, vì lợi ích của con người, bảo đảm phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, giữ vững các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong phát triển kinh tế thị trường.

Năm là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn hệ thống chính trị vào thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm an ninh kinh tế góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia.

----------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, tr.78.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, sđd, tr.117.

(3) Nguyễn Bá Duy: "Công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Cộng sản (online) ngày 6/2/2020.

(4) Nguyễn Bá Duy: "Công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế", sđd.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr.117.