Đề cập “vạch xuất phát” của 772 công nhân là đồng bào các DTTS đang làm việc trong các nông trường thuộc CPCS Điện Biên, ông Phan Văn Lợi, Tổng giám đốc công ty, cho biết: 90% là con số không, chỉ 10% số công nhân tuyển dụng được đã qua đào tạo cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề. Song vì nhu cầu lao động lớn cộng với mục tiêu hoạt động của công ty là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho lao động là người dân địa phương cho nên sau khi tuyển dụng công ty đã có kế hoạch đào tạo, tập huấn nghề cho lao động theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Phân kỳ đào tạo, mỗi năm, công ty đều luân phiên cử công nhân tham gia đào tạo nghề chăm sóc, cạo mủ cao-su, hiện nay 100% người lao động của công ty đều được tham gia các khóa đào tạo do giáo viên Trường cao đẳng Công nghiệp cao-su Việt Nam giảng dạy, hướng dẫn. Từ năm 2013 đến nay, công ty đã cử 836 lượt công nhân đi đào tạo kỹ thuật khai thác mủ; cử hàng trăm công nhân tham gia các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn do Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên và một số sở, ngành tại Điện Biên tổ chức. Trong Tháng Công nhân hằng năm, công ty thường tổ chức thi tay nghề, thi tìm hiểu kiến thức an toàn lao động, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người lao động.
Được quan tâm bồi dưỡng mọi mặt, nhiều công nhân là con em đồng bào DTTS đã nỗ lực vươn lên, khẳng định tay nghề, khẳng định mục tiêu phấn đấu rõ ràng được Đảng ủy công ty bồi dưỡng kết nạp Đảng. Kỳ thi cạo mủ cao-su do Tập đoàn tổ chức năm 2020, Công ty CPCS Điện Biên có ba công nhân đoạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, một công nhân đoạt danh hiệu “Kiện tướng” đã không chỉ đem về niềm vui với riêng cá nhân mà còn là niềm tự hào của tập thể cán bộ, công nhân toàn công ty. “Trước đây chỉ quen với nương lúa vạt ngô, song từ khi trở thành công nhân công ty, họ đã thực hiện kỹ thuật chăm sóc cây “vàng trắng” đúng quy trình; thành thục kỹ thuật cạo mủ, đem về các danh hiệu “Bàn tay vàng” như công nhân chính hiệu trên quê hương cây cao-su ở Đồng Nai. Điều đó đáng tự hào lắm”, ông Phan Văn Lợi vui vẻ cho biết thêm.
Không chỉ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, những năm qua, Công ty CPCS Điện Biên còn đặc biệt quan tâm tạo việc làm, bảo đảm thu nhập, đời sống công nhân và cả nông dân trong vùng dự án, bảo đảm mức lương bình quân (4,7 triệu đồng/người/tháng) cho công nhân. Những năm qua, công ty xây dựng kế hoạch giao việc cụ thể đến từng nông trường, từng đội và việc cụ thể với từng công nhân theo mùa vụ. Tháng 4-2020 thực hiện giãn cách xã hội, song công ty vẫn sắp xếp lịch công nhân luân phiên làm việc; bố trí người làm việc cách ngày, giao khoán diện tích chăm sóc, cạo mủ về từng đội. Do đó, tổng kết sản xuất năm 2020 công ty đã thu gần 2.850,5 tấn mủ khô, đạt gần 105,6% kế hoạch năm (về đích trước 20 ngày); 100% số công nhân, người lao động đều bảo đảm lương 4,7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, công ty bảo đảm đủ các chế độ khác cho người lao động; riêng năm 2020, công ty đóng 7,09 tỷ đồng bảo hiểm cho 602 lao động, công nhân.
Mới đây, tại lễ ra quân thu hoạch mủ và phát động Tháng Công nhân do công ty tổ chức tại vườn cao-su thuộc Nông trường Cao-su huyện Điện Biên, ông Phan Đăng Lợi, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Năm nay, công ty dự kiến đưa 2.771,8 ha vào khai thác mủ; phấn đấu năng suất đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng 3.450 tấn, tổng doanh thu gần 104,3 tỷ đồng; và tạo việc làm cho 915 lao động có mức thu nhập bình quân tăng 5% trở lên so với năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, công ty đặc biệt coi trọng quan tâm chăm lo đời sống người lao động để họ yên tâm gắn bó, làm việc.
Trước mắt tập trung thực hiện chủ đề trong Tháng Công nhân là “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, công ty giao tổ chức công đoàn tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ... để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách; các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tới các đơn vị trực thuộc và người lao động. Cùng với đó là chú trọng các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động.
Phối hợp người sử dụng lao động tổ chức phong trào “xanh - sạch - đẹp”, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí quản lý tiêu hao nguyên liệu.