Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Dân nguyện

NDO -

Ngày 17- 5, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Tham dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện đã phối hợp các cơ quan liên quan tiếp gần 49 nghìn lượt người về hơn 13 nghìn vụ việc, 970 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã hướng dẫn bằng văn bản gần 1.200 vụ việc, có văn bản chuyển hơn 1.300 vụ đến các cơ quan có thẩm quyền và nhận được 290 văn bản cung cấp thông tin, trả lời của cấp có thẩm quyền.

Thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong thời gian qua, Ban Dân nguyện đã tập trung chỉ đạo đổi mới trong công tác giám sát, giải quyết kiến nghị cử tri như: tổng hợp, phân loại và chuyển ý kiến cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, để chuyển đến các cơ quan thẩm quyền, lựa chọn những vấn đề kiến nghị được đông đảo cử tri quan tâm theo dõi; đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Ban Dân nguyện đã xây dựng và hoàn thiện 10 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.

Công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri sát sao; hầu hết các kiến nghị được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lời đúng thời gian quy định. Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết, Ban Dân nguyện đề nghị các bộ, ngành nêu rõ thời hạn, lộ trình giải quyết. Đây là điểm mới nhằm nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri...

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Dân nguyện, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, bám sát nội dung thực tế công tác, có những ý kiến đóng góp sâu sắc. Công tác dân nguyện, cụ thể là công tác tiếp công dân thời gian qua, đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân đạt hiệu quả đáng khích lệ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trước những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, được cử tri đồng tình, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Với tính chất công việc nhạy cảm, phức tạp, Ban Dân nguyện đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, Đảng, Nhà nước nói chung; hoàn thiện các chính sách pháp luật, thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cử tri đánh giá cao uy tín của Quốc hội thông qua các hoạt động này.

Cho rằng với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày một nhiều gửi đến Ban Dân nguyện và một số cơ quan là điều khách quan, theo Chủ tịch Quốc hội, trong câu chuyện này, quan trọng là thái độ, cách nhìn để giải quyết công việc. Ban Dân nguyện cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục tính nửa vời, thiếu quyết liệt trong một số trường hợp, vụ việc cụ thể, để từ đó xử lý công việc thấu tình, đạt lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với những khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến các ứng cử viên, cần phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện dứt điểm; đồng thời tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia, những nơi có thể phát sinh điểm nóng trước khi bầu cử, địa bàn trọng điểm để lên những phương án cụ thể.

Đặc biệt, trong triển khai hiệu quả chương trình kế hoạch giám sát năm 2021, chủ động nghiên cứu đề xuất chương trình năm 2022 và cả nhiệm kỳ về giám sát giải quyết những kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Dân nguyện cần có thống kê, kiểm đếm những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài để phân loại cụ thể.

Trong nhiệm kỳ này, Ban Dân nguyện đề ra chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, giải quyết khiếu nại, tố cáo và vấn đề liên quan giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ban Dân nguyên phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội đẩy mạnh công tác dân nguyện, đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, thực hiện nhiệm vụ, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về chỉ đạo hướng dẫn, giám sát công tác dân nguyện đối với các đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, đặc biệt là hậu giám sát, đeo bám đến cùng, truy đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm.

Nâng cấp giao diện phần mềm theo dõi các kiến nghị, xử lý của công dân, nhằm khắc phục tình trạng trùng lắp, có cơ sở dữ liệu chung, đồng thời phối hợp Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giám sát kết quả kiến nghị, tố cáo của cử tri, bám sát yêu cầu thực tiễn, làm cho các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sinh động và gần dân hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ban Dân nguyện cần xây dựng đề án tổng thể tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới, trình Quốc hội khóa XV để đưa vào chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được. Bên cạnh đó, cần giám sát những vấn đề trọng điểm như quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an ninh nông thôn... đã và đang được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.

Tại buổi làm việc, kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực dân nguyện, đại diện Ban Dân nguyện đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng kết các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đai biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phù hợp các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND...

Khối lượng công việc ngày càng nhiều, chất lượng công việc yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân... nhưng số lượng công chức Vụ Dân nguyện là đơn vị trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Dân nguyện còn ít, chưa kịp thời kiện toàn, bổ sung, phần nào ảnh hưởng chất lượng tham mưu và hiệu quả công tác...

(Theo báo cáo của Ban Dân nguyện)