Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Quảng Ninh

NDO -

Ngày 14-4, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cùng Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo về những nội dung công tác trọng tâm về bầu cử tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sáng 14-4. (Ảnh: Chiến Thắng)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo về những nội dung công tác trọng tâm về bầu cử tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sáng 14-4. (Ảnh: Chiến Thắng)

Tham dự đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH; đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, một số bộ, ngành; các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh, đến nay toàn tỉnh có 1.438 khu vực bỏ phiếu và đã thành lập 1.438 Tổ bầu cử, trong đó có 42 Tổ bầu cử của đơn vị vũ trang, 21 Tổ bầu cử chung giữa địa phương và đơn vị vũ trang, một cơ sở giáo dục, cai nghiện, ba trại giam, một khu công nghiệp. Ngay sau khi được thành lập, các tổ chức phụ trách bầu cử đã bám sát quy định của Luật Bầu cử và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đã chủ động triển khai các nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo đúng trình tự thủ tục và thời hạn luật định. Đến nay, tất cả danh sách cử tri đều được niêm yết công khai tại trụ sở 177 xã, phường, thị trấn và 1.438 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh đảm bảo thuận tiện cho cử tri quan sát, theo dõi.

Anh_4_5-1618385936992.JPG
 

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch Hội đồng bầu cử tỉnh khẳng định: Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của luật và sát với thực tiễn của tỉnh từ việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai; việc điều chỉnh số lượng, cơ cấu và thành phần phân bổ đại biểu HĐND các cấp; ấn định danh sách đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử...

Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử; tiếp nhận hồ sơ ứng cử; tổ chức lấy ý kiến nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử và chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ bầu cử bảo đảm sự cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ, đúng tiến độ, đúng pháp luật.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước đều sớm hơn so thời gian luật định để có khoảng thời gian dự phòng, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh và phát huy dân chủ trong triển khai thực hiện. Việc bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử được quan tâm chỉ đạo sát sao. Ủy ban bầu cử tỉnh cùng các cơ quan liên quan theo sự phân công đã xuống tận địa bàn, cơ sở để nắm bắt tình hình của nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc phát sinh để tránh tình trạng bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra "điểm nóng" trước và trong ngày bầu cử.

Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, biện pháp sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống, phù hợp với các cấp độ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử cũng được tỉnh Quảng Ninh và nòng cốt là lực lượng công an chủ động có các phương án triển khai quyết liệt, quyết tâm không để xảy ra điểm “nóng” trên địa bàn. Vừa qua, công an tỉnh đã quyết liệt triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ; siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển, đấu tranh ngăn chặn hoạt động tổ chức xuất nhập cảnh trái phép...

Anh_2_19-1618385939760.JPG
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên trong Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Nhà văn hóa Khu phố 2A và 2B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Quảng Ninh)

Đến thời điểm này, việc triển khai công tác bầu cử bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Quảng Ninh được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, chủ động, đồng bộ; kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, bảo đảm đúng pháp luật về bầu cử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về bầu cử vừa qua kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bầu cử; Ủy ban Bầu cử tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động trong triển khai các bước công việc nên nhiều công việc đã hoàn thành sớm hơn so quy định; công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Quảng Ninh đã được chuẩn bị chu đáo, đúng tiến độ Kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua, tỉnh đã có cách làm sáng tạo, theo đó chia thành ba bước; kết thúc mỗi bước tổ chức sơ kết, kiểm đếm, đánh giá lại những công việc đã thực hiện, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai bước tiếp theo. Với cách làm này, Ủy ban bầu cử các cấp đã bám sát tiến độ từng nội dung công việc để chủ động triển khai.

Quảng Ninh là địa phương luôn được Trung ương đánh giá có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chủ tịch Quốc hội và nhiều thành viên trong đoàn công tác lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ, nhận diện một số khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến cuộc bầu cử. Số liệu báo cáo cho thấy, là địa phương duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới cả trên bộ, trên biển (118,25 km đường biên giới trên bộ và bờ biển dài 250 km); 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo; đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh.

Do đặc điểm kinh tế - xã hội tỉnh luôn có biến động về lao động dân cư gây khó khăn nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tạm trú, tạm vắng và việc lập, kiểm soát danh sách cử tri; định hình các khu vực bỏ phiếu, các tổ bầu cử, tuyên truyền, vận động nhân dân đi bầu cử. Đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan việc giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá; nguy cơ thời tiết không thuận lợi, thiên tai, bão lũ rất dễ xảy ra chia cắt địa hình, gây gián đoạn tới cuộc bầu cử. Hơn nữa, có thể có nguy cơ lây lan dịch bệnh xuyên biên giới đối với địa bàn trọng điểm, tuyến đầu trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp...

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh phải có các phương án dự phòng kỹ lưỡng, chủ động, có tính dự báo để bảo đảm xử lý đồng bộ, quyết liệt, kịp thời tuyệt đối không để bị động, bất ngờ nhứng yếu tố làm ảnh hưởng cuộc bầu cử. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng lưu ý tỉnh cần quán triệt tinh thần trong toàn đảng bộ, tiếp tục ý nghĩa mục đích tầm quan trọng cuộc bầu cử, xác định công tác tổ chức cuộc bầu cử thành công là một nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng trong quý II năm nay.

Đồng chí nêu rõ: Mục tiêu cuộc bầu cử là phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, tuyệt đối an toàn. Tỉnh cần tiếp tục chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn.

Trong thời gian trước mắt, cần tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Bầu cử, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác hiệp thương lần 3 - đây là giai đoạn quan trọng nước rút có tính chất quyết định. Cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền bằng các phương thức phù hợp, thực chất đến từng người dân, để bà con nắm được thông tin về các ứng cửa viên để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng làm người đại diện.

Nội dung khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập là tỉnh cần chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên có điều kiện tiếp xúc cử tri, bảo đảm công bằng trong bầu cử; tăng cường công tác giám sát trong quá trình chuẩn bị bầu cử, trong ngày bầu cử, để ngày bầu cử trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.

Trong quý I-2021 việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có của đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát với số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 cả nước. Bằng các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai chủ động, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời, các quyết sách đúng đắn, dựa trên các bằng chứng khoa học, kinh nghiệm quý báu rút ra từ năm 2020, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và LLVT, Quảng Ninh nhanh chóng chặn đứng được đà lây lan nhanh của dịch bệnh...

Công tác tuyên truyền về bầu cử được tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực, chú trọng tính đại chúng, thời sự và đa dạng trong tuyên truyền với các hình thức linh hoạt và có nhiều sáng tạo, phù hợp đặc điểm tình hình ở từng địa phương. Tỉnh biên soạn và in 16.800 cuốn cẩm nang các tài liệu công tác bầu cử của Trung ương, của tỉnh; tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử; tài liệu hỏi - đáp về bầu cử của Hội đồng Bầu cử quốc gia phát cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đến tận thôn, bản, khu phố. Biên tập, in ấn và phát hành 3.500 cuốn sách hỏi - đáp, 53.200 tờ gấp tuyên truyền về bầu cử, xây dựng 117 cụm mô hình cổ động; 26 đảo giao thông; 135 khẩu hiệu in tường...

(Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc)