Tham dự cuộc tiếp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng gặp các chuyên gia ưu tú của Hiệp hội chuyên gia Việt-Nhật trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Nêu rõ, quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua đã được thúc đẩy mạnh mẽ với những kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng cao, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp ngày càng được đẩy mạnh; hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt nhiều tiến triển tích cực.
Thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Việt Nam-Nhật Bản
Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về đối tác thương mại. Hai nước đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn… Gắn kết nhân dân, giao lưu địa phương, hợp tác nguồn nhân lực giữa hai nước ngày càng chặt chẽ; cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt là cộng đồng tri thức ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ hợp tác, hữu nghị của hai nước.
Thay mặt Đoàn, Giáo sư, Tiến sĩ Shinji Kaneko thông tin về tình hình hoạt động của Hội và những lĩnh vực hợp tác Hội đang thúc đẩy triển khai với Việt Nam; cho biết phương châm của Hội là thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nhật Bản để tham gia vào hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, góp phần phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giáo dục giữa Đại học Hiroshima (HU) và Tập đoàn Sovico. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Hội cũng tổ chức hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Hội đã và đang triển khai các dự án chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, y tế và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Riêng với Đại học Hiroshima (HU), ngày 4/10 vừa qua, trường cùng với Đại học Nông lâm Thái Nguyên khai trương Văn phòng HU tại Việt Nam và khai giảng khóa đào tạo tiến sĩ ngành nông nghiệp. HU dự kiến sẽ mở thêm các chương trình đào tạo cho các chuyên ngành khác như y khoa, bệnh viện, công nghệ bán dẫn, công nghệ hydrogen tại Việt Nam trong tương lai gần…
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của các thành viên trong Hội trong thời gian qua vào sự phát triển khoa học của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực thông qua các dự án hợp tác cụ thể, thiết thực. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những lĩnh vực Hội đang triển khai hợp tác với các đối tác Việt Nam cũng là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và mong muốn phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên hàng đầu như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…; thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học-công nghệ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và bồi dưỡng các sinh viên trẻ ưu tú của Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường Đại học ở Nhật Bản, gồm Đại học Hiroshima, Đại học Kyushu trở thành các chuyên gia nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn tiếp tục thúc đẩy mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản thông qua việc tổ chức thường xuyên các hoạt động kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo, các cuộc làm việc chuyên đề, hội thảo khoa học, diễn đàn chuyên gia…; thúc đẩy hợp tác giữa các trường, viện cơ sở nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội chúc các hoạt động hợp tác giữa các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng hiệu quả, đóng góp hiệu quả và thực chất hơn cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.
VJS do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka bảo trợ thành lập ngày 19/8/2023, tập hợp các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thành phần của Hội gồm các thành viên như Hạ nghị sĩ Nhật Bản, Chuyên gia năng lượng hạt nhân, Tiến sĩ Seiki Soramoto; Chủ tịch Tập đoàn Balcom, Chủ tịch Danh dự HU, Tiến sĩ Tetsuro Yamasaka; Giám đốc Hệ sinh thái Đồng Sáng tạo tại Việt Nam thuộc HU, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân; Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Matsuda Việt Nam Yoshinobu Matsuda…
Cuộc tiếp Hội chuyên gia Việt-Nhật là hoạt động cuối cùng của Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Nagasaki.
* Chiều cùng ngày, theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời tỉnh Nagasaki, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.