Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự Lễ kỷ niệm có: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố.
Cùng dự có đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các tổ chức nghề nghiệp… và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức chào cờ tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ: lễ kỷ niệm là dịp để Kiểm toán nhà nước nhìn lại chặng đường đã đi qua, tự hào về truyền thống của ngành, tạo thêm động lực cho chặng đường phát triển sắp tới và cũng là dịp để Kiểm toán nhà nước tri ân sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành, tri ân những công lao, cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước đối với sự lớn mạnh, trưởng thành và phát triển của ngành.
Khởi đầu từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay, sau 30 năm, Kiểm toán nhà nước đã có nhiều bước chuyển mình đột phá.
Tròn 30 năm trước, ngày 11.7.1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70-CP thành lập Kiểm toán nhà nước.
Năm 2005, Quốc hội khóa XI thông qua và ban hành Luật Kiểm toán nhà nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới của Kiểm toán nhà nước, từ cơ quan thuộc Chính phủ trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Khoản 1, Điều 118 đã quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước nâng tầm từ cơ quan luật định thành cơ quan hiến định; nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán nhà nước; Kiểm toán nhà nước là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã trở thành nguyên tắc hiến định, nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho biết: Kiểm toán nhà nước luôn bám sát các định hướng lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với các nội dung kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Những kết quả quan trọng giúp phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý, điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; là căn cứ quan trọng để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.
Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị chuyển cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật…