Chủ tịch Quốc hội thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vân Nam

NDO - Trước khi kết thúc chương trình công tác tại tỉnh Vân Nam, chiều 12/4, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm dự án tiêu biểu về công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ sáng tạo nông nghiệp xanh Vân Thiên Hóa và Trung tâm Giao dịch đấu giá cây cảnh quốc tế Côn Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm dự án tiêu biểu về công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ sáng tạo nông nghiệp xanh Vân Thiên Hóa tỉnh Vân Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm dự án tiêu biểu về công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ sáng tạo nông nghiệp xanh Vân Thiên Hóa tỉnh Vân Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Trung tâm Dịch vụ sáng tạo nông nghiệp xanh Vân Thiên Hóa hiện có 1 trạm công tác của Viện sĩ khoa học, 6 nền tảng nghiên cứu phát triển chuyên ngành, 6 cơ sở thí nghiệm; trong đó, có nhiều nền tảng phân tích, thử nghiệm chuyên nghiệp như phòng thí nghiệm sạch, phòng thí nghiệm hóa chất điện tử và phòng thí nghiệm vật liệu năng lượng mới. Trung tâm trang bị hơn 420 bộ dụng cụ phân tích và thiết bị thử nghiệm quy mô lớn. Trong 3 năm qua, các tổ chức nghiên cứu phát triển của trung tâm đã thực hiện 6 dự án khoa học-công nghệ trọng điểm quốc gia và hơn 20 dự án khoa học-công nghệ trọng điểm cấp tỉnh; đi đầu trong việc xây dựng hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia và hơn 10 tiêu chuẩn ngành.

Công ty TNHH cổ phần Vân Thiên Hóa tỉnh Vân Nam có diện tích 1,26 triệu m2, kinh doanh phân bón, nguyên liệu hóa chất, với nhiều sản phẩm có quy mô hàng đầu Trung Quốc về sản lượng. Trung tâm nghiên cứu và phát triển Vân Thiên Hóa có chức năng đổi mới công nghệ và quản lý nghiên cứu và phát triển; tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới, công nghệ mới trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu năng lượng mới, phân bón kiểu mới, nông nghiệp hiện đại và các lĩnh vực khác.

Tính đến năm 2023, Trung tâm có tổng cộng 110 cán bộ, nhân viên với gần 70% có trình độ thạc sĩ trở lên; nhiều cá nhân hưởng trợ cấp đặc biệt của chính quyền tỉnh Vân Nam, 4 người được đưa vào dự án nhân tài của tỉnh và thành phố.


Chủ tịch Quốc hội thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vân Nam ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Trung tâm Giao dịch đấu giá cây cảnh quốc tế Côn Minh. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Trung tâm Giao dịch đấu giá cây cảnh quốc tế Côn Minh, gọi tắt là KIFA, là trung tâm giao dịch đấu giá hoa, cây cảnh được Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc và chính quyền tỉnh Vân Nam phê chuẩn thành lập, với chức năng chủ yếu là tổ chức giao dịch, đấu giá hoa, cây cảnh, xây dựng tiêu chuẩn, nghiên cứu và nhân rộng giống mới, cung cấp các dịch vụ thông tin thị trường, dịch vụ công nghệ, dịch vụ tài chính và dịch vụ logictics, trở thành một nền tảng dịch vụ ngành nghề tổng hợp.

Lãnh đạo Trung tâm cho biết, KIFA được coi là đơn vị kiểu mẫu trong đổi mới sáng tạo, nâng cấp chuỗi ngành nghề hoa, cây cảnh đặc trưng bản địa, góp phần vào quá trình quốc tế hóa, tiêu chuẩn hóa, thông tin hóa và số hóa các giao dịch hoa, cây cảnh, là một trong các doanh nghiệp trọng điểm, hàng đầu cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. KIFA có 1 nhà giao dịch với diện tích 160.000m2, 2 sàn đấu giá, 12 điểm giao dịch và 900 vị trí giao dịch, thu hút 25.000 hội viên và 3.100 nhà bán buôn là các nhà sản xuất, cung ứng hoa, cây cảnh; với 1.500 chủng loại hoa, cây cảnh được giao dịch tới tất cả các thành phố trong cả nước và hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; góp phần thúc đẩy gần 300.000 người trồng hoa thoát nghèo thành công.

Đây là hai mô hình thành công ở tỉnh Vân Nam - địa phương đầu tiên của Trung Quốc đưa ra mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng xanh, đồng thời đi đầu Trung Quốc về xây dựng văn minh sinh thái. Bên cạnh những chủ trương, đường lối được Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, tỉnh biên giới này chủ động thực hiện những quyết sách riêng mạnh mẽ. Vào năm 2009, chính quyền Vân Nam ra quyết định về việc tăng cường xây dựng văn minh sinh thái, trong đó chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế carbon thấp. Một năm sau, tỉnh nằm trong danh sách 5 tỉnh thí điểm phát triển xanh của Trung Quốc.

Vân Nam đã xây dựng và thực hiện “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế carbon thấp" giai đoạn 2011-2020. Đây là cơ sở để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công tác phát triển xanh, và đặt ra một loạt các mục tiêu về giảm khí thải nhà kính, tăng sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch, tăng độ che phủ rừng. Ba lĩnh vực phát triển chính trong kế hoạch tăng trưởng xanh của Vân Nam gồm: năng lượng xanh, sản phẩm xanh, và chăm sóc sức khỏe, du lịch.

Sản phẩm du lịch xanh đặc sắc của Vân Nam du lịch di sản cộng đồng dân tộc thiểu số và du lịch trải nghiệm văn hóa trà. Chất lượng dịch vụ du lịch tại Vân Nam được nâng cao nhờ chuyển đổi số và các dự án phát triển xanh của chính phủ. Cổng thông tin giúp khách du lịch tiếp cận với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại, giải trí và mua sắm, thu hút hàng chục triệu người sử dụng. Ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, chiến lược tăng trưởng xanh còn mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân.