Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch QH; Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH - CN và MT của QH.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế, qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch QH cho rằng, điểm nổi trội trong hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ này là công tác lập pháp với việc chủ trì thẩm tra, trình QH xem xét, thông qua 13 luật (tám luật sửa đổi, bổ sung và năm luật ban hành mới). Trong đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chChủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại buổi làm việc. ức tín dụng và Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một “dấu son” trong hoạt động lập pháp của nhiệm kỳ này, đi vào cuộc sống rất nhanh. Hệ thống luật pháp về đầu tư, kinh doanh ngày càng đổi mới, hoàn thiện hơn; các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có chất lượng ngày càng cao và thuyết phục hơn.
Chủ tịch QH ghi nhận Ủy ban Kinh tế đóng góp rất lớn cho thành công của QH khóa XIV. Quan trọng nhất là các thành viên Ủy ban luôn trên tinh thần đoàn kết, phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ, sự phối hợp hiệu quả giữa các Tiểu ban cũng như giữa Ủy ban với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các bộ, ngành.
Về những nội dung định hướng sắp tới, Chủ tịch QH bày tỏ nhất trí cao với chín nhóm kiến nghị của Ủy ban Kinh tế; đồng thời đề nghị quán triệt tới các thành viên và vụ giúp việc Ủy ban về vị trí, vai trò rất quan trọng của Ủy ban. Ủy ban cần cố gắng nhiều hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu để phác thảo đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của QH.
Nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch QH đề nghị Ủy ban tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH và QH xây dựng định hướng phục vụ Chiến lược xây dựng pháp luật trong 5-10 năm tới để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần chủ động hơn trong công tác xây dựng pháp luật và trong sáng kiến lập pháp.
Đề cập dự án trọng điểm và rất khó của QH khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch QH yêu cầu Ủy ban Kinh tế vào cuộc sớm, trước mắt là phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời phác thảo những định hướng lớn cần sửa đổi. Đồng chí cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, nên việc ban hành luật cũng nhằm kiến tạo phát triển chứ không phải để quản lý; vì thế yêu cầu đặt ra phải tính toán thêm tính ổn định của pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống…
Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch QH đề nghị Ủy ban Kinh tế sớm tham mưu cho QH, Ủy ban Thường vụ QH những nội dung lớn như Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công; Kế hoạch tài chính 5 năm… Trong công tác giám sát, Chủ tịch QH bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế về việc chuyển trọng tâm giám sát vào hoạt động thi hành pháp luật, đồng thời gợi ý tập trung vào công tác giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đánh giá việc ban hành văn bản hướng dẫn sát với quy định của pháp luật không… Đồng chí đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì giúp QH, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ rà soát những điểm chồng chéo, trùng lặp, bất cập trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, từ đó nhận diện những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH ghi nhận và giao Ủy ban Kinh tế nghiên cứu và xây dựng khung khổ cho Diễn đàn kinh tế thường niên, huy động các chuyên gia tham gia đóng góp cho QH khi xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội.
* Chiều nay, Chủ tịch QH làm việc với Thường trực Ủy ban KH - CN và MT. Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban, trên cơ sở quan điểm phát triển, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, định hướng của Đảng đoàn QH, Ủy ban Thường vụ QH và thực tiễn cuộc sống, Ủy ban KH - CN và MT xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế và đặc thù tiềm ẩn rủi ro, mạo hiểm.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành khung quy chế về hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban để áp dụng thống nhất; có cơ chế cho phép Ủy ban KH - CN và MT chủ động thí điểm chuyển đổi số đối với một số hoạt động của Ủy ban trong Đề án Quốc hội điện tử…
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ghi nhận và cơ bản tán thành các đề xuất của Thường trực Ủy ban KH - CN và MT về cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động của QH cũng như của Ủy ban. Trong đó, việc Ủy ban đề nghị được chủ động thí điểm chuyển đổi số trong một số hoạt động là rất tốt. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã nêu mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ tịch QH bày tỏ mong muốn, qua việc thí điểm chuyển đổi số, Ủy ban KH - CN và MT sẽ tư vấn, tham mưu cho QH trong việc xây dựng Quốc hội điện tử. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị, trong kỳ họp QH, Ủy ban có thể xây dựng một số báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, từ đó cung cấp thông tin, góp phần tăng cường năng lực cho đại biểu QH về các lĩnh vực này.
Chủ tịch QH nhất trí với đề xuất của Ủy ban về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát phù hợp, có trọng tâm, khả thi, có chiều sâu, tránh dàn trải, chồng chéo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của QH; tăng cường giám sát các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường tập trung giám sát việc thực hiện các kết luận của Đoàn giám sát đã được triển khai trước đó...
Nhìn nhận từ các cuộc làm việc với Thường trực các cơ quan của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong tuần qua, theo Chủ tịch QH, vẫn còn dư địa để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH như tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp; nâng cao chất lượng tổng hợp các phiên thảo luận tại tổ để QH tập trung thảo luận, tranh luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Với công tác lập pháp, QH, các cơ quan của QH cần chủ động hơn, phát huy vai trò dẫn dắt, tăng cường sáng kiến lập pháp, có cơ chế hỗ trợ tối đa để các đại biểu, các cơ quan của QH thực hiện được sáng kiến lập pháp; khắc phục tình trạng bị động, chờ đợi các cơ quan trình, vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ phá vỡ sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc QH quyết định chương trình lập pháp hàng năm tránh mâu thuẫn với định hướng, chiến lược xây dựng pháp luật trung hạn và dài hạn, cần xác định rõ các ưu tiên lập pháp trong từng năm.