Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc

Tối 28-10, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc (1954 - 2014).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện lớp cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc năm 1954 và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa đến dự lễ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử 60 năm - ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra miền bắc theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Cách đây 60 năm, cảng Hới, xã Quảng Tiến là nơi trao trả quân binh, điểm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc. Thanh Hóa vinh dự được lựa chọn là nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết. Từ ngày 15-10-1954 đến 1-5-1955, Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đã đón tiếp, chăm sóc tận tình, chu đáo gần 1.900 thương binh, bệnh binh; 47.346 cán bộ, chiến sĩ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cách mạng từ miền nam tập kết ra bắc.

Không chỉ thực hiện đúng cam kết, nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ, sự kiện này còn là chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ lâu dài cho cách mạng Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết là thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng nước ta và thế giới trong tình hình quốc tế lúc bấy giờ. Miền bắc được giải phóng, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, T.Ư Đảng, Chính phủ để một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền nam lãnh đạo cuộc chiến đấu và khẩn trương chuyển đồng bào, con em gia đình cách mạng đi cùng bộ đội, cán bộ tập kết ra bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng CNXH ở miền bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam. Qua chín năm kháng chiến, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân miền bắc nói chung, đồng bào Sầm Sơn (Thanh Hóa) nói riêng còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân miền bắc, Sầm Sơn đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện tốt nhất đón cán bộ, chiến sĩ, học sinh, nhiều gia đình cách mạng miền nam tập kết. Thương binh, bệnh binh, người đau yếu được chăm sóc, cán bộ, chiến sĩ được đào tạo, bồi dưỡng tăng cường cho lực lượng vũ trang, bố trí công tác trên các lĩnh vực, nhất là một hệ thống trường học được thành lập để con em miền nam học tập. Thế hệ đó dần trưởng thành, có nhiều cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương công lao to lớn của đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn; gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thắm thiết nhất đến gia đình, thân nhân hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hai miền lúc bấy giờ, trong đó có những người con miền nam thành đồng tập kết năm xưa đã chiến đấu, hy sinh anh dũng để chúng ta có cơ đồ nước Việt Nam ngày hôm nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đất nước hòa bình, thống nhất, sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH, hội nhập quốc tế đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước đó, Chủ tịch nước đã đi thăm, động viên lực lượng công trường thi công cầu Nguyệt Viên, thuộc tiểu dự án 2 - dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A qua địa bàn Thanh Hóa; công trình Trung tâm Triển lãm - hội chợ - quảng cáo tỉnh; tham quan khu trưng bày Festival sinh vật cảnh tại quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa; động thổ khởi công xây dựng hạng mục công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc tại cảng Hới, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn.