Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước hoan nghênh ngài Igor Krasnov và Đoàn đại biểu Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga thăm Việt Nam đúng vào dịp năm 2022 là năm Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 10 năm nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược thành Đối tác chiến lược toàn diện và 72 năm quan hệ ngoại giao. Đây là những sự kiện, mốc son lịch sử của tình hữu nghị Việt-Nga.
Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam luôn trân trọng ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay và nỗ lực vun đắp cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga không ngừng phát triển.
Chủ tịch nước cũng nhắc lại thành công tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Liên bang Nga cuối năm 2021 với nhiều dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hai nước.
Viện trưởng Tổng Viện Kiểm sát Liên bang Nga Igor Krasnov bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam; cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp và nhấn mạnh, trải qua thời gian, mối quan hệ lịch sử lâu đời Việt Nam-Liên bang Nga vẫn được duy trì và đang đạt được thành tựu tốt đẹp. Đặc biệt, Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga đến năm 2030 sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Nga năm 2021 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
Ông Igor Krasnov vui mừng cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga sẽ ký Chương trình hợp tác 3 năm 2023-2025; mở ra giai đoạn hợp tác mới với các trọng tâm về các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ thông tin; trao đổi kinh nghiệm bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản, đặc biệt là tài sản tham nhũng; hợp tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người, tội phạm về thuế, tài chính và giao dịch tiền ảo.
Cùng với đó, Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga sẽ hỗ trợ đào tạo cán bộ, kiểm sát viên cho Việt Nam; hai bên sẽ thường xuyên trao đổi chuyên gia, nghiên cứu viên sang nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo tại Nga và Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga đã cử chuyên gia đến giảng bài tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm mạng; phòng, chống tham nhũng, tài sản số, tiền ảo…
Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga Igor Krasnov bày tỏ tin tưởng trên tinh thần hợp tác thường xuyên, liên tục, hai bên sẽ đạt được nhiều thành tựu trong phối hợp phòng, chống tội phạm, góp phần tích cực bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước và không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Liên bang Nga.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam và Liên bang Nga có sự tin cậy chính trị cao; quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, kim ngạch song phương năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD tăng 40%; hợp tác giáo dục, đào tạo, du lịch được mở rộng.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Viện Kiểm sát nhân dân, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, là một cơ quan quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam và là một trong những cơ quan đi đầu trong xây dựng, thực hiện Đề án này. Cùng với đó, các cơ quan tư pháp của Việt Nam nói chung và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói riêng đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp với mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Viện kiểm sát hai nước thời gian qua, đặc biệt là việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga sẽ ký Chương trình hợp tác 3 năm 2023-2025 mở ra giai đoạn hợp tác mới, Chủ tịch nước đề nghị Viện Kiểm sát hai nước tập trung triển khai linh hoạt, thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác phù hợp tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trao đổi đoàn các cấp sang thăm, làm việc và nghiên cứu nhằm tăng cường tính hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mạng.
Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, kiểm sát viên; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các hình thức hợp tác mới, phù hợp như tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến thiết thực, hiệu quả; từ đó đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển tốt đẹp của tình hữu nghị và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong tương lai.