Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 công bằng và bình đẳng

NDO -

Ngày 3-12, trong Phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, diễn ra tại Mỹ, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới. Đại dịch thách thức thế giới của chúng ta theo cách không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc. 

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir. (Ảnh: AP)

Phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 diễn ra trong hai ngày 3 và 4-12 (giờ New York) là phiên họp đặc biệt đầu tiên được tổ chức để xử lý một đại dịch. 

Trong bài phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir khẳng định, Covid-19 trước hết là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng đây cũng là cuộc khủng hoảng về kinh tế, phát triển, nhân đạo và quyền con người. 

“Chúng ta phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu sâu nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái và sự sụt giảm lớn nhất về thu nhập kể từ năm 1870. Nền kinh tế thế giới đã thu hẹp 4,4%. Tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Có tới 115 triệu người có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực”, ông Bozkir cho biết.

Các khoản đầu tư nước ngoài đang “bốc hơi”. Các biện pháp hạn chế về thương mại và đi lại cũng như sự sụt giảm mạnh trong nguồn thu từ từ xuất khẩu, du lịch và kiều hối đặt sinh kế của hàng tỷ người trên khắp thế giới vào tình thế nguy hiểm. 

Đại dịch này đã gây ảnh hưởng không tương xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, những người sống trong khu ổ chuột và người vô gia cư. Đại dịch cho thấy những bất bình đẳng về cơ cấu và những trở ngại đối với việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.

Ông Bozkir cho rằng, cuộc khủng hoảng này buộc thế giới phải thay đổi cách thức làm việc, phải mạnh dạn và khôi phục sự tin tưởng và tín nhiệm vào Liên hợp quốc. Phiên họp đặc biệt này là thời khắc lịch sử để các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc, cộng đồng khoa học và các bên liên quan khác, lắng nghe lẫn nhau, tham gia đối thoại về những hậu quả trên nhiều mặt của đại dịch cũng như về cách phục hồi tốt hơn và mạnh mẽ hơn.

Thế giới không chuẩn bị ứng phó với Covid-19, nhưng phải chuẩn bị ứng phó với đại dịch, thảm họa khí hậu hoặc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai. Ông Bozkir cảnh báo, một cuộc khủng hoảng với tầm mức tương đương cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ tới và thế giới phải xử lý nó. 

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng, rõ ràng thế giới cần làm những việc sau: đầu tiên, bảo đảm vaccine ngừa Covid-19 được tiếp cận một cách công bằng và bình đẳng; thứ hai, phối hợp bảo vệ những nước dễ bị ảnh hưởng nhất và đang bị hậu; cuối cùng, bảo đảm các chính sách chúng ta thực hiện để chống lại đại dịch Covid-19 không làm suy yếu các cơ quan làm nền tảng cho “sức khỏe lâu dài” của các nền kinh tế và xã hội. 

Phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 diễn ra trong bối cảnh hơn 1,5 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Theo Reuters, trung bình mỗi tuần, cứ chín giây trôi qua lại có một người được ghi nhận qua đời do căn bệnh nguy hiểm này.

Đáng chú ý, 500 nghìn trường hợp tử vong được ghi nhận trong hai tháng qua. Chỉ trong tuần trước, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận hơn 10 nghìn ca tử vong. Nhiều quốc gia đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba nghiêm trọng hơn làn sóng đầu tiên.  

Thế giới có hơn 65 triệu người mắc bệnh, trong đó quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch là Mỹ. Nước này đang trong làn sóng lây nhiễm thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số người chết do virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 nhiều hơn số ca tử vong do bệnh lao trong năm 2019 và gấp gần bốn lần số người chết do bệnh sốt rét. 

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba