Bà chủ nhà trọ làm chủ hôn
Chân ướt chân ráo từ Bạc Liêu lên Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh từ 10 năm trước, Đào Kim Phượng được người quen giới thiệu vào ở trọ tại khu nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân). Ban đầu Phượng ở ghép với người chị là công nhân chung công ty. Cách đây bốn năm, Phượng lấy chồng nhưng vẫn chọn một phòng ở khu nhà trọ này, rồi đến nay đã có hai con nhỏ, một trai một gái.
Phượng kể: “Bác Xuân xem em như người trong nhà, lúc còn con gái, bác ấy nhắc nhở cẩn trọng trong các mối quan hệ vì em không có sự quan tâm của ba mẹ từ nhỏ. Lúc lấy chồng, bác đứng ra làm chủ hôn, rồi lo chu toàn việc cưới xin như thể em là con gái. Cứ thế tình cảm của bác và vợ chồng em được vun đắp, vợ chồng có điểm tựa tinh thần tu chí làm ăn. Con gái của em cũng được bác lo thủ tục tạm trú để đến trường mầm non, chồng em được con gái bác Xuân tìm việc làm giúp. Vợ chồng em xem chỗ này như ngôi nhà thứ hai của mình, vì ở đây, mọi người ở trọ luôn được quan tâm, hỗ trợ, nhất là những lúc ốm đau, gặp chuyện khó khăn cho nên rất gắn kết, yêu thương”.
Cũng là người thuê trọ tại khu nhà bà Xuân, gia đình chị Châu Thị Bé Năm đã ở đây được 17 năm, từ hai thành viên nay đã là bốn. Trong căn phòng trọ khoảng 30 m2, gồm trệt và 1 tầng, đồ đạc được chị thu xếp gọn gàng, bố trí góc học tập ngăn nắp cho hai con nhìn như một căn nhà nhỏ. Mỗi tháng cộng tiền điện, tiền nước, vợ chồng chị trả tiền thuê trọ khoảng ba triệu đồng. Mức giá này theo chị Năm là phù hợp, nhất là chủ nhà trọ không tăng giá phòng từ 10 năm nay.
Chị Năm cho hay, bà Xuân và người con gái của bà rất có trách nhiệm đối với người thuê trọ, nhất là lao động nữ cho nên đã đứng ra bảo lãnh vay vốn từ quỹ CEP cho người thuê trọ mua máy may, vật dụng thiết yếu, đồ dùng học tập cho con em đang tuổi đi học. Từ sự quan tâm của chủ nhà trọ, bản thân chị được quỹ CEP xét cho vay 20 triệu đồng mỗi năm, trong bốn năm vừa qua, nhờ nguồn vốn này chị sắm thêm máy may, máy vắt sổ và mở rộng sản lượng may gia công lên gấp đôi, từ đó có nguồn thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng/tháng để lo cho con cái ăn học.
Nhận thấy khu nhà trọ của mình hầu hết đều là lao động nữ có con nhỏ, cần việc làm thời vụ cũng như làm tại nhà, bà Đặng Thị Xuân đã chủ động tìm kiếm cơ sở sản xuất, từ đó giới thiệu và kết nối tạo việc làm cho 25 hộ như nhận gia công quần áo, giày dép tại nhà, tạo thêm nguồn thu nhập. Đồng thời kết nối nguồn hàng để nhiều chị có việc làm thường xuyên. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Tân, nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân có 30 phòng trọ với 180 nhân khẩu thuê trọ. Nhà trọ cũng thành lập một tổ hỗ trợ học tập với thầy giáo, cô giáo đều là những tình nguyện viên, trực tiếp đến hướng dẫn các cháu rèn chữ, ôn bài, học tiếng Anh và các môn thể dục rèn sức khỏe.
Chia sẻ khó khăn, tương thân tương ái
Quan tâm hỗ trợ người thuê trọ không chỉ bằng những việc làm thiết thực, chia sẻ lúc khó khăn với người lao động mà nhiều chủ nhà trọ còn chính là những mạnh thường quân, kêu gọi sự vận động của xã hội, cộng đồng cùng chung tay chăm lo, qua đó lan tỏa tinh thần tương thân tương ái.
Là thành viên Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ an toàn, bà Phạm Thị Sen (72 tuổi), chủ khu nhà trọ 118/116 Bạch Đằng, Phường 24, quận Bình Thạnh luôn giang tay giúp đỡ người thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ là hội viên trong tổ. Năm 2021 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Sen không thu tiền trọ của các sinh viên, công nhân cho đến giữa tháng 10, khi dịch bệnh ổn định và sau đó bà tiếp tục giảm tiền thuê mỗi phòng từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng cho đến cuối tháng 11 năm 2021. Đến nay, bà vẫn còn duy trì “3 phòng trọ yêu thương” dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chỉ với mức giá hai triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà Sen tham gia vận động thêm bảy thành viên trong câu lạc bộ hỗ trợ giảm tiền thuê trọ cho sinh viên, công nhân, tổng cộng 48 phòng với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, hằng năm, bà Phạm Thị Sen đã vận động trao tặng 21 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các em học sinh ở khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi với tổng số tiền 31,5 triệu đồng. Vận động ngày tiết kiệm phụ nữ nghèo, vận động trao tặng 30 vé tàu xe, nhu yếu phẩm cần thiết với tổng kinh phí 30 triệu đồng cho hội viên khó khăn không đủ điều kiện về quê đón Tết. Vào dịp Tết Trung thu, bà đều quan tâm chăm lo cho trẻ khu nhà trọ, tặng lồng đèn và bánh cho các bé; trao tặng các thẻ bảo hiểm y tế và quà cho hội viên nghèo.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phùng Thái Quang đánh giá: Không chỉ hỗ trợ về vật chất, nhiều chủ nhà trọ còn động viên về tinh thần, trực tiếp tiếp xúc, an ủi, chia sẻ, hỗ trợ công nhân, người lao động trong việc hội nhập đời sống đô thị. Nhiều công nhân gắn bó tại khu nhà trọ không chỉ vì nhu cầu mà còn vì những tình cảm tốt đẹp mà các chủ nhà trọ dành cho người lao động.
Đến nay, thành phố có 173 câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ với 4.014 thành viên. Công đoàn các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động 1.304 tổ công nhân tự quản với hơn 98 nghìn công nhân lao động. Từ đó phối hợp với các chủ nhà trọ phát triển các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thành mô hình “Khu nhà trọ xanh-sạch -đẹp”, “Khu nhà trọ văn minh-nghĩa tình”, góp phần đa dạng hóa các hình thức vận động xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động nhập cư trên địa bàn thành phố.