Chủ động ứng phó trước tác động từ tình hình tại Ukraine

NDO -

Tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đà phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng là những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trước tác động từ chiến sự Nga-Ukraine. Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

Lạm phát có thể lên đến 3,8%-4,2%

Phóng viên: Thưa ông, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo tác động từ cuộc chiến Nga–Ukraine sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến này?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Trước hết, chiến sự giữa Nga và Ukraine có tác động đến kinh tế và lạm phát toàn cầu. Theo dự báo gần đây nhất của tập đoàn tài chính Mỹ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ giảm khoảng 1 điểm phần trăm, chỉ tăng trưởng khoảng 3-3,5% so với mức dự báo tăng trưởng 4-4,5% trước đây. Lạm phát toàn cầu sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ mức khoảng 3,3% lên khoảng 4,5%. Dự báo này dựa trên ước tính giá dầu bình quân năm 2022 tăng 30-40% so năm 2021. 

Nếu chiến sự còn kéo dài, phức tạp thì giá dầu có thể lên 150 USD/thùng hoặc cao hơn và khi đó, tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát còn có thể nghiêm trọng hơn nữa. 

Hai là tác động tiêu cực đến giá nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm vì giá dầu tăng sẽ dẫn đến tăng giá rất nhiều chi phí khác, trong đó có có chi phí logistics. Hơn nữa, giá lương thực sẽ tăng vì Nga và Ukraine là 2 nước xuất khẩu lúa mì và ngô tương đối lớn cho toàn cầu. Rõ ràng là chiến sự sẽ đẩy mặt bằng giá cả cao lên, kéo theo lạm phát cao, gây khó khăn cho đời sống người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cả thế giới vừa trải qua 2 năm khó khăn do phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tác động thứ ba là xung đột tại Ukraine đã và đang gây bất ổn và rất khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu. Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã và đang cản trở thanh toán, chuyển tiền của Nga với các nước và ngược lại.

Thị trường chứng khoán toàn cầu từ đầu năm đến nay đều giảm điểm rất mạnh. Tác động đối với thị trường ngoại hối cũng rất lớn, nhất là tỷ giá. Đồng rúp Nga từ đầu năm đến nay đã mất giá khoảng 85% so với đồng đô-la Mỹ, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng đồng rúp. Cũng xảy ra hiện tượng doanh nghiệp phía Nga đang trì hoãn thanh toán vì họ muốn chờ đợi tỷ giá bình ổn trở lại, hoặc đang đàm phán với các đối tác giảm giá hoặc hai bên cùng chịu rủi ro.

Tóm lại, chiến sự này tác động rất tiêu cực đến kinh tế, lạm phát, giá cả cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra còn tác động rất xấu đến một số doanh nghiệp hoạt động ở thị trường Nga, Ukraine hoặc doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào quan hệ làm ăn với 2 quốc gia này.

Phóng viên: Do nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng thế nào trong vòng xoáy đó, thưa ông?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Do có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tác động tiêu cực đối với tăng trưởng GDP, lạm phát, giá cả, đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo tính toán của chúng tôi (Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV), với kịch bản giá dầu tăng từ 30-40% bình quân, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị giảm từ 1,2-1,5 điểm phần trăm, lạm phát tăng thêm 0,3-0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Cụ thể, theo kịch bản cập nhật, tăng trưởng cả năm 2022 chỉ có thể đạt khoảng 5,5-5,8%, lạm phát có thể tăng khoảng 3,8-4,2%. Đây là kịch bản lạc quan.

Với kịch bản xấu hơn, tức là giá dầu tăng mạnh hơn và chiến sự vẫn còn kéo dài, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 4,5-5%. Rõ ràng tình hình chiến sự Ukraine đang đặt ra bài toán thách thức lớn với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 và gây áp lực tương đối lớn đến lạm phát.

Linh hoạt giải pháp điều hành

Phóng viên: Những lĩnh vực kinh tế nào sẽ chịu tác động từ cuộc chiến Nga–Ukraine, thưa ông?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Tác động về thương mại và đầu tư được nhận định là không quá lớn do quy mô đầu tư, quan hệ thương mại của Việt Nam với các thị trường này nhỏ, nhưng lại có những điểm cần hết sức lưu ý. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Nga năm 2021 đạt khoảng 7,3 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch; thương mại với Ukraine chiếm khoảng 0,1% tổng kim ngạch. Nhưng có những doanh nghiệp làm ăn quá tập trung và chủ yếu với 2 thị trường này thì chịu tác động đáng kể và hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nga hiện đầu tư khoảng gần 1 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Nhưng có một vấn đề là vốn FDI của Nga vào Việt Nam chủ yếu vào dự án năng lượng, là lĩnh vực khá quan trọng cho bảo đảm an ninh năng lượng cũng như đóng góp khá nhiều vào ngân sách.

Về tác động với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho thị trường Nga chịu ảnh hưởng tương đối lớn lớn trong khâu vận chuyển vì hàng hóa hiện đang ách tắc, chuỗi cung ứng đứt gãy. Bên cạnh đó là ảnh hưởng trong khâu thanh toán vì Nga bị tách ra khỏi hệ thống SWIFT. Ngoài ra các doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng bởi giá cả nguyên-nhiên vật liệu, chi phí logistics đang bị đội lên.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là ảnh hưởng đời sống kiều bào, du học sinh, người đi xuất khẩu lao động tại Nga và Ukraine. Chính phủ hiện đang có chương trình bảo hộ công dân, đón công dân có nguyện vọng về nước thì cũng phải tính đến các vấn đề nảy sinh như giải quyết việc làm, thu nhập, ổn định tâm lý cho các đối tượng này.

Phóng viên: Chiến sự Nga-Ukraine là yếu tố chưa được tính đến khi chúng ta xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế-xã hội cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo ông, chúng ta cần hành động gì để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội trong nước?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng phải theo dõi sát sao và phải phân tích, dự báo tình hình để có kịch bản ứng phó phù hợp. Cần thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã ban hành, song song với thực hiện tốt chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 đang cập nhật. Đặc biệt, phải phối hợp tốt chính sách tiền tệ, tài khóa, điều hành giá cả để bảo đảm vừa thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu đề ra. 

Áp lực lạm phát năm 2022 là vấn đề cần lưu ý. Chúng tôi khuyến nghị cơ quan chức năng rà soát, đánh giá lại cách thức quản lý, kiểm soát giá xăng dầu để bình ổn giá, không gây xáo trộn quá lớn vì đây là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội.

Cần rà soát lại hệ thống, kênh thanh toán chuyển tiền, nghiên cứu thúc đẩy mạnh hơn kênh thanh toán song phương Việt–Nga theo hướng có thể thông qua ngân hàng liên doanh Việt-Nga là đầu mối và thêm các kênh khác vừa bảo đảm hợp pháp, vừa tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp cũng phải chủ động linh hoạt và có điều chỉnh kịp thời. Chủ động nắm bắt đàm phán với đối tác Nga về những khó khăn đang đối mặt, đa dạng hóa nhà cung ứng, thị trường xuất khẩu, loại ngoại tệ thanh toán...

Phóng viên: Một số nhận định cho rằng, dòng vốn đầu tư từ EU có thể rời khỏi Nga đến nơi có chính trị ổn định, môi trường kinh doanh tốt. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của Việt Nam từ biến cố lớn này, bên cạnh những tác động tiêu cực như đã phân tích ở trên?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng những diễn biến mới này cũng mở ra một số cơ hội cho Việt Nam. Đó là, hiện một số nhà đầu tư ngày càng nhận thấy nhu cầu phải đa dạng chuỗi cung ứng và chuỗi đầu tư và Việt Nam là địa điểm rất hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện. 

Đây là cơ hội để chúng ta thu hút đầu tư cả vốn trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán.

Song chúng ta phải đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa để tận dụng cơ hội hiện có và tăng cơ hội đón dòng đầu tư dịch chuyển. Đây là cơ hội và cũng là đòi hỏi rất lớn về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đã và đang có cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!