Chủ động ứng phó nắng nóng, khô hạn

Mới bước vào đầu mùa hè, những ngày đầu tháng 5 vừa qua, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía tây, cộng thêm tác động của hiệu ứng gió phơn khô nóng, khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Dưới ánh nắng gay gắt, kèm nhiệt độ cao, nhiều người lao động ở Hà Nội phải trùm kín người khi di chuyển ngoài trời. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Dưới ánh nắng gay gắt, kèm nhiệt độ cao, nhiều người lao động ở Hà Nội phải trùm kín người khi di chuyển ngoài trời. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Trong đó, khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, nhiều nơi xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.

Ðỉnh điểm của đợt nắng nóng là ngày 6/5, nền nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ phổ biến từ 37-400C, rất nhiều nơi có nhiệt độ cao trên 400C, một số nơi có nhiệt độ cao trên 430C như Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,40C; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,10C; Tương Dương (Nghệ An) 43,50C. Riêng tại Hồi Xuân (Thanh Hóa), với mức nhiệt 44,10C, thì đây là mức nhiệt cao kỷ lục trên cả nước, vượt qua mức kỷ lục 43,30C xuất hiện vào ngày 20/4/2019.

Những ngày này, do tác động của khí nóng phía tây kết hợp gió phơn, khu vực Sơn La, Hòa Bình, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Nghệ An đang xảy ra đợt nắng nóng diện rộng. Dự báo đợt nắng nóng này sẽ mở rộng ra toàn bộ các tỉnh Bắc Bộ và sẽ kéo dài đến ngày 23/5. Ðây là đợt nắng nóng dài nhất từ đầu mùa hè đến nay, với mức nhiệt phổ biến 36-38oC, có nơi lên đến 400C.

Mùa hè năm nay sẽ nóng nhiều hơn và cường độ cũng gay gắt hơn so với năm 2022 và nhiều năm khác.

(Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay sẽ nóng nhiều hơn và cường độ cũng gay gắt hơn so với năm 2022 và nhiều năm khác. Nhiệt độ trung bình tăng 0,5 đến 10C. Dự báo, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024.

Kinh nghiệm cho thấy, trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, gây thâm hụt lượng mưa.

Mặc dù hiện tượng El Nino chưa thật sự quay lại, nhưng ở nước ta, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên cả nước đã ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến đều thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 10-30%. Ðây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Mặt khác, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa có xu thế giảm nhưng lại có thể xuất hiện dồn dập với cường độ lớn, trong thời gian ngắn, gây lũ lụt cục bộ.

Ðể chủ động thích ứng với tình trạng nắng nóng, ít mưa, mưa dồn dập dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, lũ lụt cục bộ trong thời gian tới, thiết nghĩ các cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp cần sớm rà soát các phương án ứng phó với tác động của hiện tượng El Nino và khả năng thiếu hụt nguồn nước để chủ động hơn trong công tác phòng chống. Ðồng thời, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị dự báo theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thủy văn, nguồn nước và ban hành bản tin kịp thời phục vụ công tác ứng phó.

Các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp chủ động, cụ thể để ứng phó thiên tai, bảo đảm sản xuất, học tập và sức khỏe, đời sống cho người dân.

Một trong những giải pháp có thể triển khai ngay là khẩn trương tăng diện tích cây xanh trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, trường học... để giảm bớt nhiệt độ. Bên cạnh đó, khôi phục, làm thêm hồ chứa nước tại những nơi có thể, để trữ nước trong điều kiện hạn hán.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần nghiên cứu trồng những loài cây tiêu thụ nước ít hơn để thích ứng với tình trạng khô hạn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, trên diện rộng trong thời gian tới, việc bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống là hết sức quan trọng.

Cùng với các giải pháp tích cực từ phía các bộ, ngành, địa phương, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đông đảo nhân dân cùng nắm bắt được thông tin, tích cực, chủ động tham gia các giải pháp ứng phó thiên tai. Cần nhân rộng những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo của người dân trong phòng chống hạn hán, trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng lu, chum, vại, bạt, túi nước cỡ lớn... kết hợp đê bao khép kín, cải tạo ao, hồ, kênh mương, sông suối... bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống.