Chủ động ứng phó động đất tại Kon Tum

Trước tình hình động đất diễn biến phức tạp thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã chủ động nắm bắt tình hình thiệt hại, tư tưởng của nhân dân trên địa bàn huyện Kon Plông để ứng phó, khắc phục kịp thời thiệt hại, động viên nhân dân ổn định tư tưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Vi Xây, xã Ðăk Tăng, huyện Kon Plông tìm hiểu về động đất qua Sổ tay hướng dẫn về ứng phó với động đất.
Người dân thôn Vi Xây, xã Ðăk Tăng, huyện Kon Plông tìm hiểu về động đất qua Sổ tay hướng dẫn về ứng phó với động đất.

Chỉ trong hai ngày 28 và 29/7, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra hơn 50 trận động đất lớn, nhỏ. Ðáng chú ý là vụ động đất có độ lớn 5.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.827 độ vĩ bắc, 108.245 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km tạo dư chấn diện rộng, khắp khu vực bắc Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đều cảm nhận được sự rung lắc. Lần đầu tiên động đất đã gây ra những thiệt hại nhỏ trên địa bàn huyện Kon Plông.

Chị Y Liên (thôn Ðăk Tăng, xã Ðăk Tăng, huyện Kon Plông) chia sẻ, khi xảy ra động đất, chị đang đi gặt lúa thì thấy đất rung. Người dân nơi đây cũng quen với động đất, được cán bộ tuyên truyền cách ứng phó với động đất cho nên cũng không quá hoang mang, lo sợ. Hiện tại chưa có hộ dân nào của thôn bị thiệt hại.

Nói về động đất, anh A Thành (thôn Vi Xây, xã Ðăk Tăng) có chút hoang mang, nhưng vẫn nhớ rõ những điều trọng tâm trong cuốn Sổ tay hướng dẫn về ứng phó với động đất như: Khi có động đất thì chui xuống gầm bàn nếu ở trong nhà, nếu ở bên ngoài thì chạy đến vùng đất trống…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðăk Tăng Nguyễn Văn Bay cho biết, sau khi xảy ra động đất, xã đã thành lập các tổ công tác và huy động những đồng chí có kinh nghiệm về tuyên truyền đi rà soát, đánh giá tình hình tại các thôn trên địa bàn, đồng thời trấn an người dân tiếp tục phát triển kinh tế, sản xuất.

Qua thống kê, trận động đất có độ lớn 5.0 trưa 28/7 làm hư hỏng ti-vi của một hộ dân, một số điểm trường học, trụ sở làm việc, nhà dân bị rạn nứt, nhưng không gây thiệt hại về người.

Theo đồng chí Lê Ðức Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, năm 2022, huyện đã phối hợp Viện Vật lý địa cầu tổ chức tập huấn và cấp phát tài liệu, sổ tay hướng dẫn về ứng phó với động đất cho người dân trên địa bàn. Với độ lớn động đất hiện nay chưa gây ra thiệt hại lớn lắm, chỉ một số công trình xây dựng quy mô nhỏ hoặc có thời gian sử dụng tương đối lâu mới xuất hiện vết rạn nứt. Trong đó, một số nhà cửa có vết rạn nứt cũ, nhưng do động đất cho nên vết rạn nứt dài hơn.

"Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của huyện, xã để hỗ trợ khắc phục kịp thời những công trình bị hư hại, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Ðối với các hộ dân có tâm lý lo lắng, thành viên ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện, xã cũng xuống đến từng thôn tuyên truyền, vận động, giải thích. Sau khi được tuyên truyền, thông tin thêm về động đất, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, tiếp tục lao động sản xuất, không có vấn đề gì xáo trộn trong cuộc sống người dân", đồng chí Lê Ðức Tín nhấn mạnh.

Theo dự báo của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, trong thời gian tới động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.

Ðể chủ động ứng phó, giảm thiệt hại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Rà soát, xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó động đất. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan, các chủ đập thủy điện trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó khi xảy ra động đất. Rà soát, củng cố lực lượng xung kích cấp xã trong việc thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo ứng phó động đất theo quy định.

Ðồng thời, chủ động phối hợp Viện Vật lý địa cầu tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, thông báo kịp thời về tình hình động đất đến chính quyền và người dân được biết, chủ động ứng phó, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường kiểm tra các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện để kịp thời phát hiện và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện khắc phục sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình trong quá trình khai thác, vận hành trong mùa mưa năm 2024.

Ông Trần Công Ðàm, Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum-CN VSH cho biết, để ứng phó với động đất, công ty đã trích kinh phí gần sáu tỷ đồng ký hợp đồng với Viện Vật lý địa cầu để đầu tư lắp đặt và vận hành sáu trạm đo rung chấn tại khu vực huyện Kon Plông để nghiên cứu, đánh giá hiện tượng rung chấn trong khu vực; lắp đặt hai thiết bị ghi gia tốc; hỗ trợ kinh phí cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị tập huấn và thực hành nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho lực lượng xung kích cấp xã tại Măng Ðen.

Theo đồng chí Lê Ðức Tín, thời gian tới, huyện Kon Plông tiếp tục sử dụng tài liệu do Viện Vật lý địa cầu cung cấp để hướng dẫn, phổ biến thêm cho người dân, chủ động ứng phó với động đất trong mọi tình huống. Huyện đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản kiến nghị với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, đốc thúc, tìm hiểu những nguyên nhân xảy ra rung chấn để thông báo, phổ biến đến người dân, để người dân yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh.