Chủ động ứng phó động đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân

NDO -

Trong 2 ngày 20 và 21/4, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tìm hiểu thực tế tại Nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Tăng; làm việc với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum. 

Đoàn công tác làm việc với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum.
Đoàn công tác làm việc với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum.

Theo báo cáo của huyện Kon Plông và của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, mặc dù chưa xảy ra thiệt hại về người cũng như tài sản, song những trận động đất, rung chấn thời gian vừa qua đã khiến người dân tỏ ra bất an, lo lắng. Công tác tuyên truyền trấn an tâm lý người dân, hướng dẫn phòng tránh hậu quả khi có động đất xảy ra đã được chính quyền huyện Kon Plông triển khai bước đầu, song kết quả chưa như mong muốn.

Trước thực tế động đất là loại hình thiên tai mới, các cơ quan của tỉnh không có khả năng chuyên môn, đồng chí Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, đề nghị các bộ, ngành có liên quan xúc tiến ngay vào công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà đặc biệt của huyện Kon Plông. Sớm đưa ra khái quát các nguyên nhân, từ đó thông báo, cảnh báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xây dựng phương án ứng phó những hậu quả thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ chính quyền huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và đại diện bộ, ngành chức năng cũng như chuyên gia, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng, trước mắt cần tập trung vào việc rà soát những tác động và ảnh hưởng thực tiễn từ các trận động đất, rung chấn đã xảy ra tại địa bàn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân, chính quyền cơ sở thấy nguy cơ, mức độ ảnh hưởng cũng như những tác động từ động đất, rung chấn để chủ động phòng tránh. Tránh tâm lý chủ quan song mặt khác cũng tránh hoang mang, lo sợ quá mức ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trật tự của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: Phải rà soát lại phương án ứng phó, cập nhật những nội dung liên quan đến ứng phó với động đất, trên cơ sở những tài liệu hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và những tài liệu hướng dẫn của Viện Vật lý địa cầu, của Bộ Xây dựng để cho chính quyền, người dân biết, chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan khoa học nghiên cứu sớm tìm ra nguyên nhân. Từ kinh nghiệm của sông Tranh, có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu để sớm đưa ra được đánh giá, nhận định xác thực nhất, để có giải pháp cho phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm được thời gian.

Cùng với việc tăng cường phối hợp, chủ động ứng phó với động đất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Kon Plông, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum giao các cơ quan chuyên môn của địa phương phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan khoa học khẩn trương triển khai nghiên cứu về tình trạng động đất, rung chấn. Viện Vật lý địa cầu có báo cáo rà soát và đánh giá tổng thể để Ban chỉ đạo tham mưu Chính phủ có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Các nhà máy thủy điện cũng như công trình hồ đập khác phải được rà soát, kiểm tra các phương án nhằm bảo đảm an toàn cho vùng hạ du theo hướng chú trọng đặc biệt đối với việc phòng, chống động đất.

Chủ động ứng phó với động đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân -0
 Đoàn công tác kiểm tra trạm đo rung chấn tại Thủy điện Thượng Kon Tum.

* Trước đó, ngày 20/4, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến tìm hiểu thực tế tại Nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Tăng của huyện Kon Plông. Với công suất thiết kế 220 MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước, Thủy điện Thượng Kon Tum đang được xem là một trong những yếu tố có thể liên quan đến việc gia tăng các trận động đất và rung chấn thời gian gần đây tại khu vực này.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Công Đàm, Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum, cho biết: Thủy điện được thiết kế kháng chấn động đất cấp 7. Ngày 26/2/2020, thủy điện bắt đầu thực hiện tích nước. Đến ngày 20/11 cùng năm đã tích đầy hồ chứa. Sau gần 1 năm đến ngày 8/2/2021 nhà máy bắt đầu ghi nhận có rung chấn. Công ty phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp 3 trạm đo bao quanh công trình Thủy điện Thượng Kon Tum để đo đạc quan trắc. Sau mỗi lần có rung chấn thì đều tổ chức đi kiểm tra công trình, công trình đều bình thường. Riêng ngày 18/4 vừa qua xảy ra trận động đất lớn nhất từ trước đến nay với 4,5 độ richter. Tại thời điểm xảy ra trận động đất hồ chứa đang có 106 triệu m3 nước, tâm chấn của trận động đất nằm ở địa phận xã Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông cách nhà máy trên 14 km và cách hồ chứa trên 25 km. Qua quá trình kiểm tra với đánh giá thực tế thì các đợt rung chấn này không phụ thuộc vào mực nước hồ. 

Ý kiến của đại diện Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh và các chuyên gia đi cùng Đoàn công tác trong ngày đầu tiên làm việc tại vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đều có điểm chung, đó là việc xác định nguyên nhân dẫn tới động đất, rung chấn cần khẩn trương thực hiện ngay, song phải thận trọng trên cơ sở khoa học. Trước mắt Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tính toán, nghiên cứu lắp đặt thêm một số trạm quan trắc. Đối với 3 trạm đã lắp đặt, hoàn thiện ngay khả năng kết nối trực tiếp với Viện để có thông tin kịp thời, chính xác. Chính quyền huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum cần có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Việc tích nước hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum trong giai đoạn tới cần phải được tính toán cẩn trọng… 

Đồng chí Nguyễn Đức Quang nêu ý kiến: Chưa ai kết luận việc động đất ở đây là do hồ thủy điện hay hồ thủy lợi, nhưng phải thấy rằng qua các con số thống kê thì việc gia tăng cả về mật độ và độ lớn gần đây thì có sự trùng hợp với thời gian tích nước của hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, cho nên đây là một vấn đề chúng ta cần phải xem xét và cần phải nghiên cứu. Trong đó có cả những giải pháp trước mắt và cả những giải pháp lâu dài, cần phải chủ động, không chủ quan.