Chủ động ứng phó bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Nam Định

NDO -

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện lần đầu trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 1-2021 tại xã Hồng Quang, huyện Nam Trực.

Sau gần bốn tháng xuất hiện, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lan ra chín huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Sau gần bốn tháng xuất hiện, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lan ra chín huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Tính đến cuối tháng 4-2021, dịch bệnh đã lan ra 134 hộ chăn nuôi tại 50 xã, thị trấn của 9 huyện. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 212 con, trong đó có 10 con ốm chết, phải tiêu hủy. 

Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do virus Poxviridae gây ra trên trâu, bò với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10 đến 20%, tỷ lệ chết từ 1 đến 5%.

Virus này không gây bệnh cho người và động vật khác. Bệnh lây chủ yếu qua đường côn trùng đốt hoặc do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn... Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng phát triển và hoạt động mạnh, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Theo số liệu của ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định, toàn tỉnh hiện có trên 36 nghìn con trâu, bò; trong đó, đàn trâu khoảng 7.700 con, đàn bò khoảng 28.400 con. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND tỉnh Nam Định đã có Công điện về việc triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm; đồng thời cấp cho các huyện 15 nghìn lít hóa chất Vetvaco-Iodin để phun khử khuẩn phòng dịch. 

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa qua 21 ngày phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, nhất là việc thường xuyên sử dụng thuốc diệt côn trùng, không để nước tù đọng, phân rác ô nhiễm để côn trùng có cơ hội sinh sản.

Các cơ quan chức năng chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa phương có ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vaccine cho đàn vật nuôi, bảo đảm ít nhất 80% tổng đàn được tiêm phòng; ngăn chặn các hành vi vận chuyển, giết mổ trâu bò bị bệnh đi tiêu thụ.

Hiện, Nam Định có 21 xã, thị trấn xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa qua 21 ngày.