Chủ động phòng, trừ sinh vật gây hại trên lúa mùa

Từ đầu tháng 8 đến nay, tại các tỉnh phía bắc, thời tiết mưa nắng đan xen đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sinh vật xuất hiện, gây hại lúa mùa. Dự báo thời gian tới, sinh vật gây hại còn tiếp tục phát triển mạnh, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, trừ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh trên cây lúa. (Ảnh HÀ KHÁNH)
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh trên cây lúa. (Ảnh HÀ KHÁNH)

Tính đến nay, các tỉnh, thành phố phía bắc đã gieo cấy được hơn 800 nghìn ha lúa mùa; trong đó, trà sớm khoảng 177 nghìn ha đang ở giai đoạn đứng cái, ra đòng; trà chính vụ hơn 417 nghìn ha đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, phân hóa đòng; trà muộn hơn 200 nghìn ha đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ rộ.

Sâu cuốn lá và nhiều sinh vật gây hại lúa mùa

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhiều diện tích lúa mùa đã xuất hiện sâu, bệnh gây hại.

Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện ở nhiều địa phương như: Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Yên Bái, Cao Bằng, Điện Biên, Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La…

Diện tích lúa mùa nhiễm sâu bệnh ở các tỉnh phía bắc vào khoảng hơn 15.545 ha (cao hơn 11.809 ha so với kỳ trước, cao hơn 1.273 ha so với cùng kỳ năm trước); trong đó, diện tích nhiễm nặng 1.643 ha, phòng trừ 6.542 ha.

Tính đến giữa tháng 8, sâu cuốn lá ở giai đoạn trưởng thành lứa 6, vũ hóa mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2, có nơi từ 5-7 con/m2, cục bộ 10-30 con/m2.

Bên cạnh sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng xuất hiện và gây hại với diện tích hơn 1.600 ha, chủ yếu ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình.

Theo phản ánh của nhiều địa phương, mật độ sâu cuốn lá vụ lúa mùa năm nay xuất hiện cao hơn hẳn so với các năm gần đây, một số diện tích đến nay đã gây trắng lá.

Tại tỉnh Bắc Kạn, sâu cuốn lá đang gây hại trên diện rộng, đã gây ảnh hưởng nhiều diện tích lúa tại các địa phương như các huyện: Chợ Đồn, Chợ Mới, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn với mật độ phổ biến 5 con/m2, nơi cao 25 con/m2, cá biệt 60 con/m2. Toàn tỉnh đã có hơn 60 ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại.

Tính đến giữa tháng 8, tỉnh Lào Cai có hơn 500 ha lúa mùa bị sâu cuốn lá gây hại. Nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 với mật độ cao, bình quân từ 50-100 con/m2, cá biệt có nơi có mật độ khoảng 200 con/m2. Nhiều diện tích lúa mùa của tỉnh Hải Dương cũng đang chịu sự gây hại của sâu cuốn lá lứa 5 với mật độ từ 8-25 con/m2.

Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận sự xuất hiện của các loại sâu bệnh gây hại lúa mùa cao nhất trong các năm gần đây.

Tại thị xã Thuận Thành, hiện nay lúa mùa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái, làm đòng, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang vũ hóa rộ. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, mật độ trưởng thành và trứng còn gia tăng trong vài ngày tới.

Đây là lứa sâu có mật độ rất cao, diện phân bố rộng trên các trà lúa, gây trắng lá, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa mùa nếu không phòng trừ kịp thời.

Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, trừ

Mức độ gây hại của sâu cuốn lá được dự báo sẽ cao hơn so với vụ mùa năm 2022. Cuối tháng 8, khả năng sâu cuốn lá sẽ trưởng thành vũ hóa rộ, phân bố trên diện rộng.

Bên cạnh đó, sâu non gây hại mạnh có thể sẽ tập trung vào đầu tháng 9 trên các trà lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng, mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2. Một số tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh… khả năng mật độ phổ biến từ 70-100 con/m2, cá biệt 300-500 con/m2.

Tiếp đến, sâu non lứa 7 sẽ trưởng thành vũ hóa rộ vào cuối tháng 9. Sâu non hại diện hẹp trên lúa mùa muộn diện xanh tốt vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, mật độ nơi cao 50-100 con/m2.

Khi cây lúa bị nhiễm sâu cuốn lá, lá lúa bị cuốn lại, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá, ăn dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này liên kết lại với nhau tạo thành từng mảng trắng, làm giảm diện tích quang hợp và đặc biệt khi sâu gây hại trên lá đòng và lá công năng nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất.

Đối với các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, dự báo rầy cám rộ vào khoảng đầu tháng 9, rầy lứa 6 gây hại diện rộng trên trà lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn đòng-trỗ, chắc xanh mật độ phổ biến 1.000-2.000 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, cá biệt có ổ hơn 10.000 con/m2.

Đây là lứa chính trong vụ mùa năm nay, nhất là các tỉnh trung du miền núi phía bắc nếu không phòng trừ tốt có thể gây cháy ổ vào giữa tháng 9.

Tiếp đến rầy lứa 7 tập trung từ giữa đến cuối tháng 9, dự báo sẽ gây hại trên lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi, mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, cao 5.000-7.000 con/m2, có nơi hơn 10.000 con/m2 gây cháy ổ vào đầu tháng 10. Lứa này tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) Bùi Xuân Phong khuyến cáo, để bảo đảm năng suất và sản lượng lúa mùa, các địa phương cần khẩn trương thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh.

Giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng khi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ tuổi 1, tuổi 2 với mật độ lớn hơn hoặc bằng 20 con/m2 ruộng hoặc theo thông báo của địa phương thì tiến hành tổ chức phun trừ bằng các loại thuốc hóa học có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam như một số hoạt chất: Indoxacarb, Isocycloseram, Chlofenapyr,…

Đối với các loại rầy, giai đoạn lúa đứng trỗ thoát, chín sữa, chín sáp, đỏ đuôi khi phát hiện rầy tuổi 1, tuổi 2 với mật độ lớn hơn hoặc bằng 1.500 con/m2 trở lên có trên ruộng thì tiến hành tổ chức phun trừ.

Cụ thể, giai đoạn đẻ nhánh, đòng non có thể dùng các loại thuốc: Imidacloprid, Thiamethoxam, Buprofezin+Imidacloprid. Giai đoạn đòng già, ngậm sữa, chắc xanh dùng các loại thuốc nhóm hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozine…

Cùng với đó, các địa phương tập trung, phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở “nằm vùng” nắm bắt tình hình.

Từ đó, điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh để tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ ràng từng đối tượng sâu bệnh cũng như biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch.