Chủ động phòng, chống lao từ y tế cơ sở

NDO - Năm 2023 là năm phát hiện và thu nhận được số bệnh nhân lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây nhờ một loạt các biện pháp chủ động phát hiện, tìm kiếm người bệnh đưa vào quản lý, điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Khám, sàng lọc bệnh lao tại Thừa Thiên Huế.
Khám, sàng lọc bệnh lao tại Thừa Thiên Huế.

Chủ động tiếp cận người bệnh

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kể từ khi triển khai hoạt động phòng chống lao từ năm 1957, Chương trình Chống lao Quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đến nay, tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. 52 trên 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Tuy nhiên, 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% so với năm 2020. Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.

Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2022, 2023, Chương trình Chống Lao Quốc gia đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chủ động phòng, chống lao từ y tế cơ sở ảnh 1

Người dân chờ chụp X-quang phát hiện sớm bệnh lao.

Sự thành công đó là nhờ vào việc tăng cường mở rộng diện triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán; triển khai các hoạt động và can thiệp gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán và điều trị, đồng thời duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình Chống Lao Quốc gia tiếp tục có sự cải thiện đáng kể sau khi phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình vào năm 2022.

Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện lao kết hợp nhiều hình thức, vận động sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh phổi khác và tầm soát một số bệnh lý mạn tính, lập hồ sơ sức khỏe điện tử; hoạt động phát hiện, chẩn đoán lao 9 tháng đầu năm 2023 đã thông báo 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19.

Phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.

“Với kết quả này, chúng tôi hy vọng năm 2023 là năm phát hiện và thu nhận được số bệnh nhân lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, giúp Chương trình chống lao tiến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao đã đặt ra”, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho hay.

Chủ động phòng, chống lao từ y tế cơ sở ảnh 2

Các địa phương đã xây dựng mô hình Phát hiện chủ động bệnh lao.

Thành tựu trong những năm gần đây của Việt Nam chính là việc xây dựng mô hình Phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, thí điểm mô hình Chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương, nâng cao vai trò của y tế cơ sở.

Kỹ thuật xét nghiệm Xpert MTB/RIF đã và đang phát huy hiệu quả cao, phát hiện nhanh bệnh nhân lao, lao đa kháng và siêu kháng thuốc theo chiến lược “2X” (X-quang - X-pert), phát hiện chủ động cho hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay

Hiện có 10 tỉnh/20 huyện triển khai hoạt động theo đúng tiến độ. Chiến dịch 2X để tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn được triển khai tại 41 điểm/20 tỉnh. Hoạt động sàng lọc phát hiện chủ động và phát hiện tích cực bệnh lao khu vực biên giới cho 2 tỉnh An Giang và Tây Ninh.

Chủ động thanh toán điều trị lao qua nguồn quỹ bảo hiểm y tế

Trong năm nay, Chương trình chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cùng với xu thế toàn cầu, năm 2023 có thể nói là năm Chương trình chống lao có những thành tựu bước đầu trong áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ công tác chẩn đoán bệnh lao. “Trong khi năng lực chẩn đoán còn hạn chế ở một số khu vực khó khăn, chúng tôi nhận định, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tạo thúc đẩy rất ý nghĩa trong nỗ lực phát hiện các trường hợp lao bị bỏ sót, khó tiếp cận”, bác sĩ Lượng bày tỏ.

Chủ động phòng, chống lao từ y tế cơ sở ảnh 3

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, khi chuyển thanh toán điều trị lao sang bảo hiểm y tế, có một nỗi trăn trở chính là chi phí 20% người bệnh lao phải cùng chi trả với bảo hiểm y tế và có nhiều người bệnh lao đang không có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ lấy chi phí ở đâu bù đắp, để giúp người bệnh lao không bỏ dở điều trị vì kinh phí.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ 1 triệu USD giúp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả nốt 20% phần đồng chi trả và người không có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Tiến sĩ Lượng, chi phí cho người bệnh lao quá 2% thu nhập của gia đình được coi là thảm họa gánh nặng bệnh tật về lao. Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về gánh nặng bệnh tật lao, số lượng ca lớn, số ca nặng quay trở lại sau Covid-19.

"Ước chừng mỗi năm tử vong do lao 12-13 nghìn ca/năm, nhiều hơn tai nạn giao thông. Đây là việc cảnh báo, cần phải quan tâm đến nội dung này. Chúng tôi mong có được kinh phí đầu tư trang thiết bị, quy trình tổ chức, có được nguồn tài chính để hoạt động phòng, chống lao tốt hơn", bác sĩ Lượng cho hay.

Hy vọng về đích chấm dứt bệnh lao sớm trước năm 2035

Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, Chương trình Chống lao Quốc gia đã điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng vẫn bày tỏ hy vọng, với sự nỗ lực của Chương trình phòng, chống lao, tổ chức quản lý tốt người bệnh sẽ rút ngắn thời gian so với mục tiêu đặt ra. Bởi theo bác sĩ Lượng, Việt Nam có lợi thế là Chương trình Chống lao Quốc gia với hệ thống bệnh phổi 63 tỉnh, thành phố triển khai tích cực phát hiện chủ động, triển khai hệ thống đồng bộ, quản lý tốt. Các thầy thuốc 63 tỉnh, thành phố tích cực, tâm huyết và có chuyên môn tốt.

Chủ động phòng, chống lao từ y tế cơ sở ảnh 4
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (bên phải) hy vọng Việt Nam sẽ sớm về đích chấm dứt bệnh lao so với mục tiêu năm 2035.

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình Chống lao Quốc gia rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để được đầu tư nhiều nguồn lực, bảo đảm nguồn tài chính bền vững nhằm bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Việc mở rộng phối hợp y tế công-tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chương trình chống lao cũng là một can thiệp quan trọng cần đầu tư của chương trình.

“Mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân. Chúng tôi đang rất nỗ lực, và tôi mong các cấp lãnh đạo cũng như toàn thể nhân dân đặt niềm tin cũng như ủng hộ chúng tôi, vì một Việt Nam không còn bệnh lao trong tương lai”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.