Ngày 22/12, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024.
Những nỗ lực của hệ thống chống lao trên toàn quốc
Theo Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trong 9 tháng đầu năm 2023, chương trình đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.
"Kết quả phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%", bác sĩ Lượng cho hay.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, số liệu này cho thấy sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2022, 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm Covid-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu cho giai đoạn 2021-2023 ở mức cao nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao, Chương trình chống lao Quốc gia trong 9 tháng đầu năm cũng mới chỉ đạt được 56,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (77.374 ca lao mới và tái phát/chỉ tiêu 138.000 ca).
"Với những tín hiệu vô cùng tích cực đầu tiên, việc đẩy mạnh hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc, và việc vượt qua con số phát hiện trong cả năm 2022 là điều hoàn toàn trong khả năng của chương trình", bác sĩ Lượng nói.
Trong năm nay, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.
Năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao.
Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.
Năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Hiện có 51/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ, chương trình đã tiếp nhận được 47.155 tin nhắn, tương đương hơn 943 triệu đồng ủng hộ.
Mô hình Phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng được mở rộng và tăng cường, nhận được cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở triển khai phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.
Tỷ lệ thành công trên toàn quốc vẫn được duy trì ở mức cao trên 90%, đáp ứng được chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên vẫn thấp hơn chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu cho lô bệnh nhân năm 2022. Tỷ lệ điều trị khỏi trên toàn quốc đã có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được so với thời điểm trước Covid-19.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 80,2%, thấp hơn so với năm 2020 là 84,5%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị thành công cao đáng ghi nhận là Yên Bái 99%, Quảng Trị (97%) và Trà Vinh (99%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2(3) tháng điều trị của bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 85,2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công-tư chuyển đến trong 9 tháng đầu năm là 26.300 (chiếm 33,4%).
Lùi thời điểm chấm dứt lao sang năm 2035
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng cho hay, hiện dịch tễ lao ở Việt nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Đến hết tháng 9/2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 2.764, và thu nhận 2.606 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 52,5% so với chỉ tiêu kế hoạch (4963).
Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 75%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (11%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.
Sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình chống lao Quốc gia, thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ BHYT, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn BHYT.
Việc cấp phép nhập khẩu ở Bộ Y tế kéo dài do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy trình phê duyệt… ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hàng, hạn sử dụng của hàng hóa khi về đến Việt Nam còn lại ngắn.
Hiện nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công-tư do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO.
Thiếu nhân lực, tự chủ tài chính, thay đổi mô hình tổ chức y tế... đang tạo ra những thách thức cho công tác phòng, chống lao.
Bác sĩ Lượng cho biết, trong năm 2024, chương trình tiếp tục triển khai các nghiên cứu trọng điểm, mang tính đột phá mới trong chẩn đoán, điều trị và can thiệp y tế công cộng, hỗ trợ người bệnh lao, bệnh phổi mạn tính, ung thư phổi; các nghiên cứu về chính sách quản lý, phát hiện, phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị lao tiềm ẩn, lao nhạy cảm và lao kháng thuốc, hướng tới mục tiêu kết thúc bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.
Chia sẻ về nguyên nhân lùi thời điểm vào năm 2035 chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho biết, sau đại dịch, các nước đều gặp khó khăn trong phòng, chống lao. "Năm 2035 chấm dứt lao là mục tiêu Tổ chức Y tế thế giới đặt ra. Chúng ta cũng nỗ lực để sớm chấm dứt bệnh lao, nhưng công tác này còn gặp nhiều khó khăn thách thức và cần được sự quan tâm của Nhà nước", bác sĩ Lượng bày tỏ.