Chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên người

NDO - Từ đầu năm đến nay, tại bốn địa phương ghi nhận có dịch cúm gia cầm là: Ðiện Biên, Tây Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa, số gia cầm, thủy cầm phải tiêu hủy lên đến hơn 10 nghìn con.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, nguy cơ bùng phát dịch cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm trong thời gian tới là rất lớn, do đây là thời điểm vụ đông - xuân, thời tiết thuận lợi cho các vi-rút cúm phát triển; là thời điểm người chăn nuôi tách, nhập đàn và xuống giống mới sau dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu gà thải từ Trung Quốc lại đang có chiều hướng gia tăng, dẫn đến nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta là khá cao. Trong khi đó,  tại một số nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, Cam-pu-chia kể từ đầu năm đến nay đều ghi nhận có người mắc và chết do nhiễm cúm A(H5N1).

Cúm gia cầm (H5N1) là một dịch bệnh nguy hiểm, không chỉ làm chết gia cầm hàng loạt, mà còn có thể lây sang người, cũng với tỷ lệ tử vong rất cao. Chính vì vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên người, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, trước tiên tập trung các biện pháp ngăn chặn cúm trên gia cầm. Không có cúm gia cầm (H5N1) thì không có cúm A(H5N1) trên người. UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh đang có dịch cúm gia cầm, tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó ngành thú y và ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng lây truyền vi-rút cúm A(H5N1) kịp thời. Ðồng thời, thành lập ngay các đoàn thanh tra liên ngành, để kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1), tập trung kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, các điểm giết mổ, buôn bán, chăn nuôi gia cầm...

Ngành y tế các địa phương, chủ động và tiến hành xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống dịch cúm ở người tại địa phương mình. Các địa phương có cửa khẩu quốc tế tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn những người nghi nhiễm cúm A(H5N1) và các dịch, bệnh khác xâm nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, Bộ Y tế thường xuyên tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các địa phương, cũng như chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác điều trị cho người mắc, xử lý ổ dịch và hỗ trợ kịp thời các địa phương khi có yêu cầu. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở người.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần chú trọng đến hình thức truyền thông trực tiếp thông qua các tổ chức, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên..., nhất là đội ngũ y tế thôn, bản. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, nhất là việc thực hiện rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch trước khi ăn, trước và sau khi chế biến gia cầm. Không sử dụng thịt, các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; gia cầm không rõ nguồn gốc. Người dân hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, do nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc, giết mổ gia cầm sống bị nhiễm bệnh, thực hiện việc đeo khẩu trang, các thiết bị phòng hộ khi tiếp xúc với gia cầm và thường xuyên tẩy uế chuồng trại... Khi có những biểu hiện sốt cao, ho, khó thở... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chủ động của các cơ quan chức năng, cũng như sự tham gia chủ động của các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của cộng đồng, cùng với các giải pháp đồng bộ được triển khai, chúng ta hoàn toàn hy vọng có thể chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở người.