Chủ động phòng, chống cháy nổ dịp giáp Tết

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa khô và cũng là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng hàng hóa lưu thông tại các cơ sở kinh doanh, chợ truyền thống, trung tâm thương mại sẽ tăng đột biến. Vấn đề phòng, chống cháy, nổ cần được các đơn vị chú trọng bởi nguy cơ tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
0:00 / 0:00
0:00
Công an khu vực phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12) hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.
Công an khu vực phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12) hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.

Cách đây ít ngày, lực lượng chức năng đã kịp thời dập tắt một đám cháy căn nhà ba tầng để ngăn hiểm họa cháy lan trong khu vực dân cư đông đúc tại Phường 15, quận Gò Vấp. Vụ cháy xảy ra vào tối muộn cho nên các nỗ lực dập lửa của người dân gần đó bất thành khi ngọn lửa bùng lên từ tầng một là kho chứa quần áo. Khi nhận được tin báo, Công an quận Gò Vấp điều các xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường, phun nước từ nhiều hướng, đồng thời sơ tán người dân.

Vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người, nhưng khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do chập điện dẫn đến hỏa hoạn. Tương tự, trước đó, vào rạng sáng ngày 8/12, người dân cũng phát hiện lửa phát ra từ một căn nhà bốn tầng trên đường Cao Thắng (Phường 2, Quận 3) đã lập tức báo cơ quan chức năng. Đáng chú ý, thời điểm này trong nhà có bốn người đang cần sự trợ giúp. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã tiếp cận đưa các nạn nhân ra ngoài an toàn. Vụ cháy khiến nhiều tài sản trong căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn.

Tại các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, vụ cháy xảy ra mới đây tại kho hàng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh khiến nhiều người không khỏi hoảng hốt vì mức độ thiệt hại và sức tàn phá của “bà hỏa”. Theo cơ quan chức năng, do kho hàng có nhiều vật liệu bắt lửa, dễ cháy cho nên khi phát lửa, chỉ trong mấy phút, các cột khói, lửa đã bao trùm cả diện tích rộng lớn của nhà kho. Sau khoảng hơn hai tiếng dập lửa, ngăn cháy lan, ngọn lửa mới tạm được khống chế. Với diện tích gần 400 m2 nhà kho, hàng hoá bị thiêu rụi đã gây thiệt hại rất lớn đối với chủ cơ sở này.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC07), từ ngày 1/9/2021 đến 31/8/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 203 vụ cháy, trong đó, có năm vụ cháy lớn, làm chết bảy người, bị thương 17 người. Các địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất như: thành phố Thủ Đức; quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; Quận 12… Nguyên nhân chủ yếu từ việc chủ quan, sơ ý trong sử dụng nguồn lửa, bất cẩn do sử dụng khí đốt, chạm chập điện... Thực tế cho thấy, các nguy cơ cháy nổ tại nhà hộ dân, cơ sở kinh doanh, các khu chợ truyền thống,... là rất lớn.

Theo PC07, bước vào cao điểm mùa khô, nhất là dịp giáp Tết, lượng hàng hóa lưu thông, tích trữ tại các cơ sở, chợ,… đều tăng đột biến. Nhiều nơi, hệ thống phích cắm điện, tủ điện,… đã bị các chủ cơ sở, tiểu thương “biến” thành nơi tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu. Thậm chí, không gian các lối đi tại nhiều chợ lớn đều đã bị “bóp hẹp” lại để chất hàng hóa. Mọi sự bất cẩn, chủ quan, nhất là trong việc sử dụng các thiết bị điện, thắp nhang đèn đều có thể gây nên những hậu quả rất kinh hoàng khi xảy ra cháy, nổ.

Một khảo sát mới đây của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh về cách thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả cũng cho thấy, người dân còn gặp nhiều lỗi dẫn đến các nguy cơ về cháy, nổ do sử dụng điện sai quy cách như: Hệ thống điện không bảo đảm an toàn, dây dẫn bị quá tải, bị bong tróc lớp cách điện dẫn đến nguy cơ gây chạm, chập; các mối nối không đúng kỹ thuật, không bảo đảm an toàn; để thiết bị điện phát nhiệt gần vật dễ cháy nổ, không ngắt thiết bị điện khi không sử dụng… Thống kê của các cơ quan chức năng qua nhiều năm cũng khẳng định, có đến khoảng 70% các vụ cháy nổ xuất phát từ nguyên nhân do chập, chạm điện dẫn đến phát lửa gây cháy.

Trưởng phòng PC07 Huỳnh Quang Tâm cho biết, để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ và trung tâm thương mại, các Ban Quản lý cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn phòng cháy, chữa cháy đến các hộ kinh doanh trong chợ, trung tâm thương mại; đồng thời, các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý thường xuyên tổ chức hiệu quả vấn đề tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đây là công tác rất quan trọng nhằm phát hiện sớm các sự cố, nguy cơ về hư hỏng, lỗi của hệ thống điện, đường dây, hệ thống phòng cháy, chữa cháy để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, công tác phòng cháy, chữa cháy sẽ phát huy hiệu quả khi người dân, người đứng đầu cơ sở; các cơ quan chức năng nhận thức, ý thức được trách nhiệm đối với vấn đề cháy nổ. PC07 cũng khẳng định sẽ nghiêm khắc xử lý đối với các đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ không bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống cháy nổ hoặc vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý của các ban quản lý chợ liên quan đến vấn đề phòng, chống cháy nổ.

Nhân rộng mô hình Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy

Thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 ngày 1/6/2022 của Bộ Công an về thực hiện mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng, thời gian qua, PC07 đã thực hiện thí điểm, ra mắt các Tổ liên gia tại các địa phương. Kết quả ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc huy động nhân dân cùng tham gia việc phòng, chống cháy nổ tại các khu dân cư. Nhằm phát huy hiệu quả mô hình này, Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình ra toàn thành phố.