Chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa

Thời tiết giao mùa, các tỉnh miền bắc những ngày gần đây có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa sáng và chiều, khiến nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh cúm mùa.
0:00 / 0:00
0:00
Ðưa trẻ đến khám và điều trị nội trú tại các bệnh viện do các bệnh về cúm mùa.
Ðưa trẻ đến khám và điều trị nội trú tại các bệnh viện do các bệnh về cúm mùa.

Những ngày qua, Khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương luôn chật kín phụ huynh đưa bệnh nhi tới khám. Ngoài các bệnh nhi bị sốt xuất huyết, nhiều trẻ đến khám do sốt, viêm phế quản, viêm phổi, cúm A… Vỗ nhẹ từng nhịp vào lưng đứa con trai 20 tháng tuổi đang quấy khóc tại hành lang bệnh viện, chị Nguyễn Thị Nhàn (32 tuổi, trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) chia sẻ: “Bé nhà tôi bị viêm phế quản nặng đang điều trị ở viện được hai ngày rồi. Trước đó con bị ho, khó thở, khò khè, gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc uống, sau vài ngày thấy không đỡ, tôi quyết định cho con nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm phế quản”. Chị Phan Thu Giang (trú tại Mỗ Lao, Hà Ðông) cũng có con gái 24 tháng tuổi phải nhập viện do viêm phế quản nặng. “Sau khi được chẩn đoán viêm phế quản, các bác sĩ đã kê đơn thuốc và cho gia đình chăm sóc con tại nhà. Tuy nhiên, đến chiều, bé bất ngờ sốt cao, kèm theo cả co giật. Tôi lo quá, đành cho bé nhập viện luôn”, chị Giang nói.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là thời điểm giao mùa, vi-rút phát triển mạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa tăng cao. Số lượng bệnh nhân khám ở viện tăng khoảng 30-40%, trong đó có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A, cúm B, sốt xuất huyết… Hiện, bệnh viện đã kín giường, phải tăng giường điều trị để thu dung theo ba nhóm là nhóm các cháu bị nhẹ, nhóm có tổn thương hô hấp đơn thuần, nhóm có bệnh lý nền, kèm theo bệnh nặng. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện rất đông, nguy cơ quá tải và lây nhiễm chéo luôn thường trực.

Bác sĩ Vũ Thị Mai (Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết), cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, trực tiếp qua các giọt bắn, dịch tiết ở mũi khi nói chuyện hoặc hắt hơi...“Khoảng một tháng nay, trẻ nhập viện tăng mạnh và chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, cúm… Trong đó, đã ghi nhận một số trẻ bị viêm phổi do nhiễm vi-rút Adeno”, bác sĩ Mai nói.

Theo ghi nhận của Hệ thống tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam), từ đầu tháng 9/2022 đến nay, lượng khách hàng đến tiêm vắc-xin cúm tăng gấp đôi so với thời điểm các tháng hè. Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19, sốt xuất huyết và mới đây là vi-rút Adeno vẫn đang ở mức cao. Hiện, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, cần phải chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Ðể phòng bệnh về đường hô hấp hay do vi-rút Adeno gây ra,… các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Bên cạnh đó, người dân nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ăn uống đủ chất, tập thể dục để nâng cao thể trạng. Riêng với những bệnh có vắc-xin, như cúm, Covid-19… người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời; không tự mua thuốc điều trị tại nhà.