Chủ động ngăn chặn nạn đua xe trái phép

Tình trạng đua xe mô-tô trái phép ở đối tượng thanh, thiếu niên diễn ra khá phổ biến nhiều năm nay tại nhiều địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00

Vấn nạn này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với các đối tượng tham gia đua xe trái phép, nỗi lo về an ninh, trật tự xã hội, bất an về môi trường sống, nhất là với giới trẻ. Thực trạng này cần được các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp ngăn ngừa một cách chủ động.

Nhắc đến hình ảnh các thanh, thiếu niên ngồi trên các xe “độ” công suất lớn, rú ga, nẹt pô inh ỏi, phóng bạt mạng trên đường khiến nhiều người không khỏi rùng mình, bất an với “tốc độ bàn thờ” đó. Thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng đã xảy ra từ những cuộc tỷ thí vô thưởng vô phạt của những thanh, thiếu niên. Thậm chí, để chứng tỏ sự yêng hùng, hàng trăm đối tượng còn bất chấp tất cả, chặn cả đường cao tốc để so tài. Trong các khu dân cư, vấn nạn đua xe trái phép trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi mỗi lần các đối tượng tụ tập, gầm rú động cơ.

Nỗ lực của các cơ quan chức năng thời gian qua đã phần nào ngăn chặn các cuộc đua xe trái phép. Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân cao điểm, hành vi của các “quái xế” lại tiếp tục diễn ra.

Với các ứng dụng mạng xã hội, việc tập hợp, lôi kéo các đối tượng đua xe trái phép trở nên dễ dàng hơn; tình trạng tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, có nhiều đối tượng đã bị khởi tố khi đua xe trái phép nhưng rồi vẫn tái phạm.

Để ngăn ngừa, giảm bớt tình trạng nêu trên, bên cạnh việc áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng thì cũng cần các giải pháp mềm từ sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng; trong đó, các biện pháp giáo dục nhằm nâng cao sự hiểu biết cho mọi người, nhất là giới trẻ, được xem là giải pháp căn cơ, bền vững.

Sự phối hợp đồng bộ này cần sự bắt tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Ở trường, các giáo viên cho các em kiến thức, kỹ năng; khi về nhà, các bậc phụ huynh cần đồng hành, làm gương để con trẻ noi theo. Khi ra ngoài xã hội, các cơ quan chức năng cần có những định hướng, tư vấn để các thanh, thiếu niên hấp thụ những kỹ năng, bài học bổ ích cho cuộc sống.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, chính môi trường mạng xã hội đang là nơi “kết nối” thuận lợi để trẻ tìm đến nhiều thói hư tật xấu, trong đó có tụ tập đua xe trái phép. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dùng mạng xã hội như một kênh tiếp cận, là “công cụ” để “tìm” đến các bạn trẻ và có các hình thức tuyên truyền phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em.

Các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ để nắm chắc thông tin trên các trang mạng xã hội, qua hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ tụ tập từ khi mới manh nha. Chế tài pháp luật hiện hành cũng đã xử lý nghiêm các trường hợp đua xe trái phép. Với các vụ có quy mô lớn cần phải xem xét xử lý hình sự; đồng thời tuyên truyền rộng rãi sự việc trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, làm gương.

Ngoài ra, đối với các “lò độ xe”, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát và có các hình thức chấn chỉnh, xử lý phù hợp để các chủ cơ sở này không trở thành nơi “cung cấp” cho các “quái xế” phương tiện để đua xe và tụ tập đua xe trái phép nơi công cộng…