Xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ và tăng 18,1% so với tháng 1/2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD (tăng 25,9%), lâm sản chính gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%), thủy sản 550 triệu USD (giảm 13,1%), chăn nuôi 29 triệu USD (tăng 46,5%), đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%)…
Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: Chè đạt 25 triệu USD (tăng 5,1%), nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%), sắn và sản phẩm sắn đạt 283 triệu USD (tăng 32,7%), sữa và sản phẩm sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%), thịt, phụ phẩm 16,9 triệu USD (tăng 14,2%)...
Về thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, các thị trường châu Á (chiếm 47,4% thị phần), châu Mỹ (21,1%), châu Âu (13,4%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,3%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Tiếp đến là Hoa Kỳ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19,0%). Nhật Bản đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%) và Hàn Quốc 302 triệu USD (chiếm 4,8%).
Đánh giá về những biến động thị trường trong những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: Trong 2 tháng đầu năm, sản xuất về cơ bản tăng nhưng xuất khẩu giảm là do giá bán xuống thấp, nhất là các mặt hàng chủ lực.
Đối với thị trường trong nước, về quy luật sau Tết Nguyên đán giá thực phẩm thường tăng, nhưng năm nay lại có chiều hướng đi xuống, đây là câu chuyện lạ của thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng minh chứng cho việc nguồn tài chính, sức mua của thị trường nội địa đang giảm, nên trong thời gian tới cần phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ, thậm chí tính đến phương án dự trữ.
Tạo điều kiện phát triển thị trường
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước những biến động thất thường của thị trường, toàn ngành nông nghiệp không được bi quan nhưng cũng không chủ quan vì chúng ta đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị, phải triển khai song hành việc xây dựng chính sách, chiến lược với việc giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại địa phương. Muốn làm được việc này, các đơn vị phải chuẩn hóa lại tất cả các quy trình, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp, HTX, người dân dễ dàng tiếp cận.
“Thị trường tiêu thụ đã khó khăn rồi chúng ta không nên tạo thêm rào cản cho thị trường, tự mình đóng cửa chính mình bằng những thủ tục, quy định, xử lý công việc chậm chạp, rườm rà, quan liêu, nhất là vấn đề cấp phép”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về vấn đề mã số vùng trồng, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn hóa lại tất cả các khâu từ vấn đề tư duy, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ để phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ cho thị trường trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, trong công tác tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm tới các HTX, bởi lẽ, nếu để HTX bơ vơ thì việc xây dựng mã số vùng trồng cũng sẽ trôi nổi theo.
“Tới tháng 6, các đơn vị liên quan phải tổ chức, bố trí ổn định được việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói một cách hợp pháp, minh bạch, công khai để các cơ quan truyền thông, toàn xã hội tham gia cùng với ngành nông nghiệp triển khai, giám sát đạt hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới phải chuẩn hóa lại tất cả các vấn đề trong phạm vi quản lý, đầu tiên là chuẩn hóa thông tin tránh tình trạng chồng chéo, rối rắm khi triển khai nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp.