Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Quốc hội, vị thế của đất nước

NDO -

Chiều tối 20/12, phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội, gắn với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, phát huy tối đa lợi thế ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh )
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh )

Nhắc tới bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao quán triệt các quan điểm chỉ đạo đó. Trong đó có những quan điểm rất được các nước quan tâm như “ngoại giao cây tre”, “chúng ta không chọn bên mà chọn lẽ phải”,…

Mục tiêu quan trọng được Chủ tịch Quốc hội đề cập, đó là cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức hoạt động nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội dịp này chia sẻ với ngành ngoại giao cũng như cơ quan đại diện ngoại giao trong điều kiện công tác ngoại giao ở nước ngoài, có những cơ quan ở rất xa Tổ quốc. Thời gian qua, đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Vừa kết thúc chuyến công tác với rất nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng tại Hàn Quốc và Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ câu chuyện cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ bị dịch Covid-19 tấn công 2 lần khiến rất nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán bị nhiễm bệnh, trong đó có những người chuyển biến rất nặng nhưng tất cả đã vượt qua được.

Về tình hình thực tế cơ sở vật chất của đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu thốn, theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới việc nâng cao mức lương cho cán bộ ngoại giao cũng như đầu tư về trụ sở các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao, mặc dù nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn, vất vả, trong bối cảnh đó, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để công tác và đạt được kết quả tốt.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Ngoại giao; các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với công tác ngoại giao nghị viện của Quốc hội trong thời gian qua; khẳng định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm và dành sự ưu tiên cao nhất cho ngành ngoại giao khi xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Quốc hội, vị thế của đất nước -0
 Quang cảnh buổi gặp mặt tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành chương trình hành động của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 107 đề án, chương trình, kế hoạch lớn, trong đó có vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại của Quốc hội, bao gồm quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia về công tác đối ngoại và công tác đối ngoại của Quốc hội.

Chia sẻ về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ tích cực chủ động để phê chuẩn việc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế.

Trong đó, trọng tâm là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Hơn nữa, chỉ đạo xây dựng các đề án mang tính chiến lược toàn khóa và kế hoạch hằng năm về ngoại giao nghị viện, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm, chú trọng xây dựng ngoại giao kinh tế, cùng phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam.

Vấn đề quan trọng khác được chú trọng là đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với Quốc hội, nghị viện các nước đối tác, quan hệ đặc biệt, láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác; nâng tầm đối ngoại đa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc chủ động phát huy vai trò của Quốc hội trong các vấn đề then chốt, quan trọng có tầm chiến lược tại các cơ chế liên nghị viện đa phương quốc tế và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nâng cao hiệu quả cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội và giữa Quốc hội với cơ quan Đảng, Chính phủ trong triển khai các hoạt động đối ngoại.

Làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo việc cung cấp thông tin đối ngoại toàn khóa, thông tin đối ngoại hằng năm nhằm kịp thời phản ảnh chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chuyển tải thông tin đối ngoại của Quốc hội, đất nước tới bạn bè quốc tế… Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài qua tiếp nhận thông tin, tiếp tục phản ảnh, đề xuất, góp ý với Quốc hội.

Tham dự cuộc gặp mặt có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn…

Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Quốc hội, vị thế của đất nước -0
 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh)

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Nghị quyết của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã kết thúc vào chiều 18/12, đã thành công tốt đẹp và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị tập trung đánh giá thực chất bối cảnh thế giới và khu vực, kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018.

Đồng thời, đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra đối với đất nước ta, với ngành ngoại giao trong thời gian tới. Qua đó, xác định yêu cầu và nhiệm vụ của công tác đối ngoại thời gian tới.

Các đại sứ sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và các kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao phó, phục vụ công tác hội nhập quốc tế, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước một cách tốt nhất.

Tại cuộc gặp chiều tối nay, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao bày tỏ ấn tượng với kết quả chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội tới các nước đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của nước ta là Hàn Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ đã dành nghi thức lễ tân rất đặc biệt, điều đó cho thấy, các bạn rất coi trọng Việt Nam cũng như vai trò của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Các đại sứ cũng đánh giá cao sự đóng góp của Chủ tịch Quốc hội cũng như các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác ngoại giao vaccine, kêu gọi sự ủng hộ của các nước dành cho Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Các đại sứ cho rằng, trong những năm qua, ngoại giao Nghị viện là một trụ cột rất quan trọng của đối ngoại Việt Nam, có những đóng góp quan trọng vào những thành công của đối ngoại chung của đất nước. Điều đó không những góp phần duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là tranh thủ được thiện cảm của các nghị sĩ, nhân dân các nước để mở rộng cơ sở chính trị-xã hội của các nước ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đổi mới…