Sau 18 tháng thi công, Nhà máy sản xuất pin VinES có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đã được chủ đầu tư (Tập đoàn Vingroup) tập trung nguồn lực hoàn thành toàn bộ khâu lắp ráp. Hiện nay nhà đầu tư đang tập trung kiểm định, nghiệm thu để chuẩn bị đưa vào sản xuất trong tháng 7/2023. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy sản xuất pin VinES cung cấp 1 triệu pack pin/năm.
Theo đại diện chủ đầu tư, bên cạnh quyết tâm, ưu tiên nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ dự án của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương là tiền đề, động lực giúp doanh nghiệp vững tin sớm đưa nhà máy sản xuất pin VinES đi vào hoạt động. Trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà máy, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập một tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư xử lý các hồ sơ, thủ tục, giúp quá trình xây dựng nhà máy diễn ra nhanh hơn.
Vượt qua tiết trời oi bức của mùa hè, không khí lao động sản xuất tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đang trở nên hối hả, sôi động. Theo ông Hoàng Trọng Bính - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2, nhà máy được xây dựng với tổng công suất 1.330 MW, có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD. Đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành 50% khối lượng và phấn đấu quý III/2025 sẽ đưa vào vận hành thương mại. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nỗ lực của chính quyền địa phương đã tiếp đà cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Theo đại diện lãnh đạo Khu Kinh tế Hà Tĩnh, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được khởi động từ khá lâu. Tuy nhiên, do thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án mang tính liên ngành, diễn ra trong thời gian khá dài, cho nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư xử lý các “điểm nghẽn”, “nút thắt” nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Trần Việt Hà cho biết, không riêng gì các dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng, tất cả doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu đầu tư và đang triển khai các dự án trên địa bàn Hà Tĩnh đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa của tỉnh.
Cùng với việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát, kiểm tra, đề xuất cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ, công chức, người lao động sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quy định.
Địa phương cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, thành để trao đổi, học tập kinh nghiệm về cải thiện công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp… Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cũng kết nối với một số doanh nghiệp, tập đoàn (Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Sun Group…); tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị quy mô lớn về phát triển kinh tế liên vùng, liên quốc gia… Những hoạt động này đã tạo bước đệm vững chắc cho công tác thu hút đầu tư.
Nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cuối tháng 6/2023, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng và ba phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ phó của tổ công tác đặc biệt này. Ngoài 14 thành viên là giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan và địa bàn quản lý, tổ công tác mời lãnh đạo một số cơ quan cấp tỉnh và địa phương liên quan tham gia, phối hợp thực hiện khi cần thiết.
“Bên cạnh việc nắm bắt, hướng dẫn, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổ công tác đặc biệt còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển có liên quan và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; chủ động tiếp cận, liên hệ, đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào địa bàn tỉnh; xác định danh mục các dự án trọng điểm để chỉ đạo Nhóm giúp việc Tổ công tác hỗ trợ thủ tục hành chính trong quá trình khảo sát, cấp phép, thực hiện dự án đầu tư…”, đồng chí Trần Việt Hà cho biết thêm.
Đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới gần 2.800 doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 7.500 doanh nghiệp, gần 1.500 dự án, trong đó có 1.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 137.000 tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng đến nay có 153 dự án trong và ngoài nước với tổng mức 17,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.